Cây dâu tây “nhập cư” về các bản Tân Quế, Xuân Quế, Nong Quỳnh, tiểu khu Huổi Dương... thuộc khu Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã nhiều năm nay. Dâu được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng mênh mông quanh những nếp nhà, thay thế cây ngô, cây mía và cây sắn trước đây.

Những ngày đầu đem giống về trồng thử, bà con Tân Thảo không nghĩ rằng dâu tây lại phù hợp với mảnh đất này đến thế. Sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã giúp dâu tây phát triển tốt, quả chín có vị ngọt thanh, căng mọng, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trong nước, có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Loại cây này đang từng bước khẳng định giá trị kinh tế qua từng mùa quả ngọt.

“So với các cây trồng khác thì giá trị dâu tây rất là cao. Ví dụ 1.000 m2 trồng ngô, khoai, sắn chỉ được 4 - 5 triệu đồng nhưng trồng dâu tây thì giá trị 50 triệu, gấp 10 lần. Gia đình tôi hiện đang trồng 1 ha dâu, sản lượng 15 tấn/ha. Mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha” - anh Lê Trung Toàn, bản Nong Quỳnh, xã Cò Nòi chia sẻ.

Từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch hằng năm là thời gian cây cho quả nhiều và chất lượng nhất.

Vụ dâu tây được trồng vào khoảng tháng 10 dương lịch hằng năm; bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 12 năm trước đến giữa tháng 4 năm sau. Nhưng từ tháng 1 - 3 là thời gian cây cho quả ngon và chất lượng nhất. Không chỉ bán quả tươi, một số hộ dân, HTX trên địa bàn còn đầu tư chế biến nhiều sản phẩm từ quả dâu tây.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kho lạnh để chứa quả dâu tây, chế biến thành siro dâu tây, rượu dâu tây, dâu tây sấy dẻo. Và năm nay HTX chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn dâu đông lạnh để phục vụ sinh tố bãi biển”.

Hợp đất, hợp khí hậu, dâu tây trồng ở Tân Thảo cho quả đều, căng mọng, ngọt thanh.

Hiện nay, trên địa bàn xã Cò Nòi có hơn 70 ha trồng dâu tây, trong đó tập trung tại khu Tân Thảo với khoảng 50 ha. Theo ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, mỗi ha dâu tây cho thu hoạch khoảng 10 – 15 tấn quả/vụ, với giá bán từ 100.000 – 200.000 đồng/kg mỗi loại. Trung bình, mỗi ha dâu tây trừ chi phí có lợi nhuận từ 400 – 500 triệu đồng/ vụ, đem lại thu nhập cao cho nhà nông. Những tín hiệu vui ấy có được nhờ việc quy hoạch và áp dụng những quy trình, kỹ thuật tiêu chuẩn trong trồng và chăm sóc dâu tây.

“Dâu tây ở Cò Nòi cơ bản thực hiện quy trình áp dụng VietGAP, áp dụng giống của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng tôi đã quy hoạch các vùng tập trung trong Tân Thảo, đảm bảo quy mô, quy trình, khuyến khích các HTX liên kết sản xuất, thực hiện đúng việc cam kết với các nhà thu mua. Khuyến khích việc nâng cao thương hiệu, chất lượng, giá trị sản phẩm, làm sao trong thời gian tới, xây dựng được thương hiệu dâu tây Mai Sơn, Sơn La” - ông Nguyễn Văn Nam nói.

Với giá bán khoảng 100 - 200 nghìn đồng/ kg, dâu tây đem lại thu nhập khá cho bà con khu Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Không chỉ đem về những mùa quả ngọt cho bà con, mỗi vườn dâu tây chín đỏ nổi bật trên nền lá xanh mướt còn thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, tự tay hái quả và lưu lại cho mình những bức hình độc đáo. Đây là điểm hẹn hấp dẫn cho du khách thập phương trong hành trình du lịch Sơn La mùa xuân này.

(Theo VOV)

Bỏ việc, cắm sổ đỏ đi trồng dâu tây: Đón 3 vạn khách, thu 3 tỷ đồng mỗi năm

Bỏ việc, cắm sổ đỏ đi trồng dâu tây: Đón 3 vạn khách, thu 3 tỷ đồng mỗi năm

Mỗi năm, vườn dâu tây công nghệ cao "hot" nhất Sa Pa cho thu hoạch từ 15 - 16 tấn dâu và đón khoảng 30.000 lượt khách tới trải nghiệm.