Mười giờ đêm cuối cùng của năm, chị Loan vẫn có thể đặt được gói xôi tận Hoàn Kiếm ship về Linh Đàm. Nếu như cách đây một thời gian, để giải tỏa cơn thèm, chị phải lặn lội đi gần 10km.

Hà Nội: Lạ lẫm 'căn phòng 1 cửa' cho thuê giá siêu hời 600 ngàn/tháng

Nở rộ dịch vụ giao đồ ăn

Cùng với sự bùng nổ của các dịch vụ xe ôm công nghệ, mảng giao đồ ăn cũng nhộn nhịp không kém. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một cửa hàng trà sữa tại TP.HCM, với số lượng các lái xe xếp hàng mua trà sữa để giao cho khách đông hơn số người đang ngồi tại quán. Điều đó cho thấy, nhu cầu đặt ăn qua mạng đang ngày càng nở rộ.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trị giá khoảng 33 triệu USD trong năm nay và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này là 11%/năm.

Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2017 mới chỉ có 30% số người dân thành thị sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến tại Hà Nội và TP.HCM nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới hơn 70%. Chỉ trong một năm, lượng người dùng dịch vụ này đã tăng tới 40%, một tốc độ quá nhanh.

{keywords}
Đặt đồ ăn online nở rộ

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, anh thường xuyên đặt đồ ăn từ các ứng dụng trên điện thoại. Sự tiện lợi của các dịch vụ này là mang đồ ăn tới tận nhà. Nhân viên giao hàng chuyên nghiệp, có hộp đựng đồ ăn riêng.

Anh chỉ cần ở nhà chọn món mình thích, sau đó chờ giao tận nhà mà chi phí cũng không hề cao hơn. Thậm chí, nhiều chương trình khuyến mại, anh mua được đồ ăn còn rẻ hơn nếu tới tận nhà hàng. “Ngồi ở nhà ăn vừa sạch sẽ, thoải mái mà không phải đi xa, xếp hàng như ở quán”, anh Tùng chia sẻ.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nga (nhân viên văn phòng), ứng dụng gọi món rất tiện, nhưng cũng tương tự như mua các loại hàng hóa khác bằng hình thức trực tuyến, cần gọi món từ các hàng ăn có uy tín, tên tuổi. Bên cạnh đó, nhờ đánh giá của khách hàng trên ứng dụng, người mua dễ dàng tìm tới các cửa hàng uy tín và chuyên nghiệp. “Dịch vụ này liên tục tung ra các mã giảm giá từ 40.000-80.000 cho khách hoặc miễn phí ship”, chị nói thêm.

Sự bùng nổ của các ứng dụng đặt đồ ăn cũng tạo ra những cơ hội mới cho nhiều lái xe. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 8 triệu đồng nhờ vào ship đồ ăn, và quan trọng hơn là sự thoải mái trong công việc.

Không những tiện dụng với người mua, các ứng dụng đặt món trực tuyến còn giúp bên bán hàng tăng thêm đơn, từ đó góp phần tăng doanh thu. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (chủ cửa hàng ăn vặt tại Nam Đồng, Hà Nội), các ứng dụng gọi món giúp cửa hàng tăng thêm đơn đến 30%, nhưng bán hàng online, khuyến mại rất quan trọng.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Trước đây, sân chơi thức ăn nhanh chủ yếu là từ xe ôm tự phát. Sau đó, thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường này như Delivery Now và Vietnammm. Một số cái tên khác được cho rằng chiếm thị phần còn khá nhỏ như Eat và Chonmon. Tháng 7/2017, nhà sáng lập của Foody từng chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Hiện tại, các trang web đặt món trực tuyến chỉ hoạt động ở hai thị trường chủ lực là Hà Nội và TPHCM.

Một tân binh mới gia nhập cuộc đua nhưng ngay lập tức đã gây chú ý với người tiêu dùng là GrabFood. GrabFood được thử nghiệm tại TP.HCM từ tháng 5 và chính thức chào sân một tháng sau đó. Đầu tháng 10 vừa qua, GrabFood cũng chính thức hiện diện tại Hà Nội sau chưa đầy 1 tháng thử nghiệm.

{keywords}
Giao đồ ăn nhanh không dễ

Hay như Lala, ứng dụng đặt và giao thức ăn của Ahamove thuộc Scommerce cũng đang dần chiếm lĩnh thị phần. CEO của Lala tiết lộ ngay từ khi ra mắt, công ty đã có sẵn 6.000 tài xế nhờ vào đội ngũ đối tác của Ahamove.

Còn Go-Jek, ứng dụng đến từ Indonesia đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, rất có thể sẽ mang theo ứng dụng Go-Food, một ứng dụng trong hệ sinh thái của họ

Với tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặt món trực tuyến rõ ràng là thị trường có tiềm năng rất lớn, được dự báo sẽ là địa hạt của cuộc chiến mới. Song, rất có thể, cuộc chiến giao đồ ăn nhanh cũng sớm nở chóng tàn như bài học của các dịch vụ chuyển phát nhanh trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp giao hàng đã phải rời bỏ cuộc chơi sau thời gian dài vất vả.

Còn giám đốc một công ty vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực giao nhận bày tỏ, dịch vụ này cần có một lượng lớn nhân viên lớn mới có thể “phủ sóng” toàn bộ các điểm giao nhận trên toàn thành phố.

Lợi thế của các hãng xe ôm công nghệ Govietn, Grab hiện nay là sở hữu một lực lượng đông đảo đội ngũ nhân viên giao hàng sẵn có, tiềm lực kinh tế lớn cùng kinh nghiệm khi đã triển khai dịch vụ này tại các nước trên thế giới.

Đồng thời, giao thức ăn nhanh phải tổ chức nhóm giao nhận chuyên cho món ăn chứ không thể sử dụng đội ngũ giao nhận các mặt hàng như quần áo, túi xách hay phụ kiện điện thoại.

Nhiều chuỗi bán lẻ thực phẩm đang vận hành dịch vụ đặt mua trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng, thậm chí cuối cùng có thể cung cấp dịch vụ giao hàng của riêng họ. Trong khi đó, nhiều nhà hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận để tự cung cấp dịch vụ giao đồ ăn miễn phí ở các thị trường mới để vượt lên các đối thủ.

Có thể nói, cuộc chơi giao hàng nhanh sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều. “Ăn ngon mà không phải đi xa” sẽ là điều hoàn toàn có thể thực hiện được ngay từ bây giờ.

Nam Hải

Giao hàng nhanh: Đua nhau mở, âm thầm đóng cửa

Giao hàng nhanh: Đua nhau mở, âm thầm đóng cửa

Sự nở rộ của các công ty giao hàng cũng như nấm sau cơn mưa rào, tuy nhiên để tồn tại không phải là điều dễ dàng dù thị trường này luôn được đánh giá là tiềm năng.