Nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ đầu tháng 7 âm lịch, nhiều quán ăn chay ở Hà Nội chuẩn bị kỹ và có thêm nhiều dịch vụ để phục vụ khách.

11h trưa, quán ăn chay An Phước ở khu vực Thái Hà bắt đầu kín chỗ. Khác với nhiều nơi, tuy đông nhưng không khí trong quán vẫn rất nhẹ nhàng.

Chị Nguyễn Hằng, khách quen của quán cho biết, là người ăn chay trường, ngoài nấu ở nhà, đây là nơi chị hay tìm đến do thức ăn vừa miệng và có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, Thương, một nhân viên văn phòng thì cho biết, do công việc bận rộn nên nhà chị thường xuyên đặt cỗ từ các nhà hàng.

"Đồ chay bây giờ không những ngon, phù hợp với khẩu vị mà hình thức cũng rất bắt mắt. Hầu như tháng nào nhà mình cũng đặt để cúng”, Thương nói.

Nhiều thực khách khác chia sẻ, vào thời gian này, họ ăn chay như một cách báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

{keywords}

Quán ăn chay đông khách ngay từ đầu tháng.

Chị Lan Phương (chủ quán) cho biết, từ đầu tháng, nhà hàng đông khách hơn. “12h trưa, có lúc không còn chỗ ngồi. Lượng khách tăng gấp ba gấp bốn lần so với những tháng khác”, chị cho biết.

Theo khảo sát, không chỉ riêng cửa hàng của chị Lan Phương mà ở một số địa điểm ăn chay khác trong nội thành, lượng khách tăng dần từ trước tháng 7 Âm lịch, có nơi tăng đến 30%. Giá cả tùy theo từng món và khẩu phần, dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng.

Các quán ăn chay ngoài phục vụ khách đến cửa hàng còn đáp ứng nhiều người có nhu cầu đặt mâm cỗ. Giá từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/mâm tùy theo số món khách đặt...

Theo các chủ nhà hàng, nắm bắt được nhu cầu của khách, nhiều nhà hàng đã chuẩn bị thực phẩm từ rất sớm. Do đặc tính của đồ chay là đồ tự làm, tự tay chế biến, không chất bảo quản, qua rất nhiều khâu nên đòi hỏi nhiều thời gian. Bên cạnh đó ngoài phục vụ khách tại chỗ, quán còn nhận đặt đồ cúng cho các gia đình, các khâu chuẩn bị vì thế càng cần cẩn thận.

“Không chỉ là ăn mà còn là thưởng thức và thành tâm nên từng đĩa đồ ăn chay cũng được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ”, anh Lê Văn Thắng, chủ quán cơm chay Hà Thành chia sẻ.

{keywords}

Mâm cỗ được chính đầu bếp bày biện ngay tại nhà là dịch vụ hot của kinh doanh đồ ăn chay.

Ngoài việc chuẩn bị từ sớm, các nhà hàng còn có cách thức riêng để thu hút khách. Theo anh Khánh Đạt, chủ quán Phước Hậu, vào dịp lễ Vu Lan, quán thường xuyên thay đổi thực đơn cũng như thêm các món mới, tăng lựa chọn cho các thượng đế. Ngoài ra, kết hợp với việc trang trí, sắp xếp bắt mắt, nhà hàng thu hút cả những khách vốn ít hay chưa từng ăn chay.

Bắt kịp xu hướng và nhu cầu, hiện hầu hết quán chay đều có trang web hoặc fanpage để quảng cáo, nhận đặt hàng. Khách chỉ cần một cú điện thoại hay vài cú click chuột là đã có các món chay, cỗ chay giao tận nhà. Dịch vụ giao hàng tận nơi trong dịp này vì thế cũng trở nên nhộn nhịp hơn.

Để cạnh tranh, một số nhà hàng có giá bình dân còn chịu khó chiều khách bằng việc khi khách đến đặt món mới bắt đầu nấu để đảm bảo nóng sốt…

Nói về việc kinh doanh, chủ quán cơm chay Hà Thành cho hay, lúc mới mở còn ít nhưng sau một năm thì khách tăng lên gấp đôi. Số lượng nhà hàng gần đây cũng nở rộ.

“Khoảng 2 năm gần đây, dịch vụ cơm chay phát triển. Tuy nhiên, lượng khách của quán vẫn ổn định vì có nhiều khách quen”, chủ quán này chia sẻ.

(Theo Zing)