Điểm nóng Pù Luông

Cách Hà Nội khoảng 170-180km, Pù Luông (Thanh Hóa) rất thích hợp với những chuyến đi ngắn ngày, dịp nghỉ cuối tuần. Vì thế, đây là điểm đến được nhiều du khách yêu thích trong vòng 1-2 năm lại đây.

Không có nhiều ruộng bậc thang hoành tráng, nối tiếp nhau như Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Hoàng Su Phì (Hà Giang),... những ruộng bậc thang ở Pù Luông nằm biệt lập trong các thung lũng nhỏ nhắn, và đặc biệt là chưa quá đông khách nên vẫn giữ được vẻ yên bình, hoang sơ.

Tới Pù Luông, khách du lịch thường theo cung đường Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Pù Luông, mất 4 đến 5 tiếng do đường hơi khó đi, nhưng có thể thong thả vừa đi vừa ngắm cảnh. Lúc về nhàn hơn nhiều khi chạy quốc lộ 15C ra quốc lộ 217 rồi về Hà Nội bằng đường mòn Hồ Chí Minh, đường rất dễ đi lại có thể ghé thăm suối cá thần ở Cẩm Thủy.

{keywords}
Bản làng trong mây

Đầu tháng 9, các ruộng lúa ở Pù Luông đang thì con gái, xanh mướt, tầm 1 tháng nữa là chín vàng rực rỡ. Nhưng thời điểm này, du khách đã kéo nhau lên Pù Luông nên tuần trước dịp nghỉ lễ mùng 2/9, các resort, homestay ở đây đã cháy phòng nếu đặt sát ngày. Thậm chí, có resort view đẹp đã hết phòng dịp cuối tuần cho tới tận tháng 11, tức qua mùa lúa chín.

Về phòng nghỉ, có hai lựa chọn cho du khách khi tới đây. Một là các resort được đầu tư khá bài bản, có bể bơi vô cực nhìn ra rừng núi mây mờ xen lẫn ruộng bậc thang, phòng ốc sạch sẽ, giá dao động từ 900.000-1,5 triệu đồng, giá cuối tuần khoảng 2 triệu đồng/phòng/đêm. Nổi nhất là những cái tên Pu Luong Retreat, Pu Luong Eco Garden, Pu Luong Tree House, Pu Luong Nature Bungalow, Ciel del Puluong, Pu Luong Hillside Lodge,… Các resort này cũng có phòng tập thể nhà sàn (dorm) với nhà mềm hơn, chỉ từ 300.000 đồng/đêm với nhóm khách đi đông, tiết kiệm chi phí mà phòng ốc vẫn đảm bảo tiêu chuẩn.

Loại thứ hai là các homestay, nhà sàn trong các bản Kho Mường, Kịt, Hiêu,... giá chỉ từ 100.000-150.000 đồng/người/đêm.

Điểm chung của những resort hay homestay này là không có tivi, tủ lạnh, một số nơi không có điều hòa,... nhưng sạch sẽ, thoáng mát.

Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, diện tích khoảng 17.660ha. Nơi đây chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống.

Ở Pù Luông, có hai điểm đến tuyệt đẹp mà du khách không thể bỏ qua, đó là Bản Đôn với thung lũng ruộng bậc thang trù phú, mướt xanh, nhất là vào buổi sớm khi ẩn hiện dưới những đám mây trắng bồng bềnh. Đó là thác Hiêu, con thác đầy ắp nước suối, mát lạnh quyến rũ đến độ nhiều du khách nguyên quần áo trên người sẵn sàng nhảy xuống tắm.

Ngoài ra, du khách có thể lái ô tô hoặc thuê xe máy lên Kho Mường khám phá hang Dơi, chạy lòng vòng các bản Son, Bá, Mười, bản Hiêu, bản Nủa, bản Lác, bản Kịt,... trekking xuyên rừng lên đỉnh Pù Luông, đi chợ phiên Phố Đoàn.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tại Pù Luông hầu như không có khách quốc tế, thi thoảng mới thấy một vài vị khách vốn sống hoặc đang làm việc tại Việt Nam. Chính vì vậy, lượng khách đến đây tuy có đông nhưng hầu hết chỉ tập trung vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ và mùa lúa chín sắp tới, tại một số resort, homestay đang nổi lên nhờ vị trí đẹp.

Anh Đại, một người kinh doanh nhà nghỉ homestay chuyên cho khách Tây ba lô thuê với giá 80.000-100.000 đồng/đêm ở bản Kho Mường, tâm sự, từ đầu năm đến nay anh chưa đón được vị khách nào. Nguồn thu từ du lịch hầu như không có. Ngay tại Kho Mường, có ngày lác đác chỉ vài đoàn khách lẻ ghé qua. Vì thế, các dịch vụ như kinh doanh ẩm thực, nhà sàn homestay,... tại đây dừng hẳn.  

{keywords}
Thác Hiêu mùa nước đầy, trong vắt, mát lạnh

Mùa lúa chín, rủ nhau lên vùng cao

Ngô Hồng Lan, nhân viên văn phòng ở Hồ Đắc Di, Đống Đa (Hà Nội), cho hay, sau nhiều lần bị nhỡ, cô và nhóm bạn đã lên kế hoạch đi Mù Cang Chải vào tuần cuối tháng 9. Cả nhóm dự tính bắt xe khách lên Yên Bái, sau đó thuê xe máy chạy sâu vào trong các bản làng, khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Trên các diễn đàn du lịch, nhiều bạn trẻ í ới rủ nhau chuẩn bị cho các chuyến đi ngắm ruộng bậc thang khi lúa chuẩn bị vào độ chín vàng. Thông thường, giới trẻ thường bắt xe khách lên Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang,... sau đó thuê xe máy trải nghiệm; các gia đình thì lái xe ô tô nhà hoặc ở xa (như TP.HCM) thì đi máy bay theo tour của các công ty du lịch.  

Theo chia sẻ của một thành viên diễn đàn du lịch, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 là mùa lúa chín ở Lào Cai, cụ thể là Y Tý và các vùng xung quanh; ở Sapa bắt đầu tháng 9 có các điểm Tả Van, Tả Phìn, Tả Giàng Phình, Mường Hum,...

Tại Mù Cang Chải (Yên Bái) lúa chín đẹp khoảng từ 10/9 đến đầu tháng 10, với các địa danh nổi tiếng Tú Lệ, Thung lũng Cao Phạ (Lìm Thái, Lìm Mông), La Pán Tẩn, Chế Cu Nha,... và dọc đường quốc lộ từ Tú Lệ lên thị trấn Mù Cang Chải.

Riêng Bắc Hà (Lào Cai), Hoàng Su Phì, Xín Mần,... (Hà Giang) lúa chín muộn hơn khoảng 1 tuần, từ 20/9-20/10.

{keywords}
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (ảnh Tuấn Jin - Diễn đàn du lịch)

Ngay từ tháng 8, một số cá nhân trên diễn đàn nhận ghép tour cho khách có nhu cầu đi Y Tý (Lào Cai) từ Hà Nội vào tháng 9, hành trình 3 ngày 2 đêm, chi phí 2,5 triệu đồng/người.

Một số công ty du lịch cũng bắt đầu bán tour lên vùng cao ngắm ruộng lúa bậc thang, với giá kích cầu ưu đãi. Chẳng hạn, công ty du lịch Mita có tour Mù Cang Chải 2 ngày 1 đêm khởi hành 5/9 từ Hà Nội giá 1,2 triệu đồng/người (ngủ nhà sàn tập thể) và 1,3 triệu đồng/người (ngủ khách sạn 2 sao); tour Mù Cang Chải - Trạm Tấu 3 ngày 2 đêm khởi hành ngày 4/9 giá từ 1,5-1,75 triệu đồng/người tùy phòng nghỉ,...

Hay công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) bán tour Tây Bắc - Mù Cang Chải 7 ngày 6 đêm cho du khách Sài Gòn, khởi hành ngày 12/9 và 19/9 giá tầm 10 triệu đồng/khách.

Công ty Luxury Travel chào tour Sapa mùa lúa chín 3 ngày 2 đêm, khởi hành hằng ngày, giá 2,98 triệu đồng/người; tour Mù Cang Chải Mùa 3 ngày 2 đêm khởi hành 4/9 và 18/9, giá từ 3 triệu đồng/người,...

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Thế Dũng, Giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho hay, hàng năm, công ty ông liên tục có khách từ Nam ra du lịch Tây Bắc vào mùa lúa chín, với 18-20 khách/tuần. Có thời điểm, ông Dũng ở Tây Bắc cả tháng để dẫn khách.

Năm nay, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch thì riêng du lịch sinh thái, gần gũi thiên nhiên như Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, Bình Liêu (Quảng Ninh),... nên được đẩy mạnh. Ông Dũng lý giải, trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch bệnh, chưa có vắc-xin thì việc du khách đến những nơi vắng vẻ, hòa mình vào thiên nhiên như trên chính là một hình thức giãn cách xã hội, vừa có nguồn thu vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 

Ngọc Hà