Dịch lan ra 19 tỉnh thành

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn” do báo Dân Việt tổ chức vào ngày 19/3, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) cho biết, tại Việt Nam, tính đến 19 giờ ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn,... gần đây nhất là Thừa Thiên - Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu huỷ 34.774 con lợn.

Theo ông Long, nguyên nhân khiến dịch bệnh này lây lan nhanh do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan nanh và ở diện rộng.

{keywords}
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 19 tỉnh, thành phố ở nước ta

Hai là virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Thêm nữa, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng. Ngoài ra, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lí tiêu huỷ lợn bệnh không thực hiện vệ sinh triệt để nên lại mang mầm bệnh trong người.

“DTLCP xuất hiện gần 100 năm rồi, đến nay thế giới vẫn chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh. Đến nay, với vai trò cơ quan nhà nước quản lý thuốc thú y, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào có chế phẩm, sản phẩm thuốc phòng chống được dịch bệnh này”. Vì thế, ông Long khuyến cáo trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin không chính xác, thậm chí bịa đặt về DTLCP, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nghiêm những người phát tán thông tin kiểu này.

Ông đề nghị bà con cần cẩn trọng trước những thông tin không chính xác lan truyền trên các trang mạng xã hội, không hoang mang, lo lắng. Bà con cần thực hiện các bước phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT đưa ra.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ NN-PTNT, ông Ian Dacre, Phó giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, các chuyên gia quốc tế nhận định cần ít nhất 4 năm nữa mới có thể điều chế được vắc xin phòng chống bệnh DTLCP.

Đừng quay lưng với thịt lợn

Dù DTLCP đang diễn biến khá phức tạp, song Nguyễn Văn Long khẳng định, bệnh này không lây nhiễm sang người. Theo đó, người chăn nuôi và người tiêu dùng không nên quá hoang mang.

Theo ông, cả nước mới có hơn 34.000 con lợn bị tiêu huỷ, chiếm 0,1% so với tổng đàn lợn của cả nước. Có nghĩa là số lợn bị tiêu huỷ so với tổng đàn còn rất thấp. Toàn bộ số lợn bệnh, nghi bệnh đều đã được tiêu huỷ, người tiêu dùng không cần phải băn khoăn về chuyện lợn có bệnh tuồn ra ngoài thị trường. 

{keywords}
Cơ quan chức năng khẳng định lợn bị bệnh và lợn trong vùng ổ dịch đã bị tiêu hủy hết nên thịt lợn bán trên thị trường an toàn

Còn lại, đàn lợn của chúng ta vẫn có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy người tiêu dùng không nên hoang mang, ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nói: “Mong dịch này chấm dứt nhanh ở Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng biết rằng dịch bệnh này không thể chấm dứt một sớm một chiều”.

Hiện nay, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn, chúng ta không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản,... Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng.

Đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn, ông Dương phân tích.

“Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng NN-PTNT cũng khẳng định như vậy”, ông chia sẻ và dẫn chứng ở Tây Ban Nha, 35 năm nay nước họ vẫn có dịch bệnh này, vậy tại sao đùi lợn muối, đùi lợn xông khói của họ vẫn tiêu thụ rất tốt? Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn. 

Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lý do gì để chúng ta không sử dụng. Ông Dương kêu gọi người tiêu dùng không nên quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch bệnh này.

Khi có dịch, ngoài việc người chăn nuôi bị thiệt hại thì chi phí tiêu huỷ, vệ sinh tiêu độc khử trùng và các chi phí liên quan rất lớn. Do đó, nếu chúng ta quay lưng lại thì ngành chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn. Theo ông Dương, lúc này người tiêu dùng mua thịt lợn an toàn ăn là một cách chúng ta chung tay cùng nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.

Còn đối với người chăn nuôi, không bao giờ được phép có suy nghĩ bán lợn bệnh ra thị trường, một con sâu làm rầu nồi canh, có bệnh là phải tiêu huỷ ngay lập tức. Đừng vì tiếc của mà bán chạy, giấu dịch, hay cố cứu chữa vì đã có nhà nước hỗ trợ rồi, ông Dương khuyến cáo.

Tâm An