10 ngày tiêu hủy 4 vạn gia cầm

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy, chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 2, đã xuất hiện 9 ổ dịch cúm gia cầm trên cả nước do chủng virus A/H5N6 gây ra tại 5 tỉnh thành (Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An), buộc tiêu hủy khoảng 4 vạn con gia cầm. Trước đó, 1 ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh nhưng đến nay đã qua 21 ngày.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc diễn ra sáng 13/2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết, cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch xuất hiện rải rác, ở 1-2 hộ nuôi nhỏ lẻ mỗi địa phương có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.

Virus cúm H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hàng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Dù có thể lây từ gia cầm sang người, nhưng đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.

{keywords}
Việc buôn bán gà theo phương thức truyền thống có thể khiến dịch cúm gia cầm lây lan 

Theo ông Đông, thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra. Hiện tổng đàn gia cầm ở nước ta lên tới 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp... Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Huy Đăn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội, cho biết, nhận thức của người dân còn hạn chế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch bệnh, người dân không thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh.

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố còn quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (988 cơ sở, điểm giết mổ) nên việc quản lý gặp quá nhiều khó khăn. Riêng chợ Hà Vĩ (Thường Tín) tiêu thụ khoảng 30-40 tấn/ngày gia cầm (gà, vịt sống) cũng nhập từ các nơi khác về nên khả năng dịch bệnh bùng phát lớn, ông Đăng cho hay.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao nếu không có biện pháp tốt. Đó là bởi mật độ chăn nuôi gia cầm ở nước ta rất cao, cộng với thời tiết ngày càng cực đoan, rất bất lợi cho công tác ứng phó bệnh dịch. Việc lưu thông vận chuyển hàng hóa ở thời điểm này là rất lớn, trong đó có sản phẩm gia cầm, trứng, giống, gia cầm thương phẩm,... từ tất cả các vật dụng đều có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đáng ngại hơn là tập quán, thói quen buôn bán giết mổ gia cầm vẫn còn theo phương thức truyền thống, tỷ lệ này còn rất cao ở các vùng miền trên cả nước.

“Gà cứ phải ăn tươi, buôn bán thì bằng bu. 40% đô thị hóa nhưng hoạt động mua bán giết mổ vẫn theo phương thức truyền thống”. Tất cả các yếu tố trên khiến xác suất lây lan dịch bệnh cao, có khả năng bùng phát lớn.

Giám sát chặt các ổ dịch 

Dù nguy cơ cao là vậy, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá ngành hàng này có nhiều điểm mạnh. Đơn cử, chăn nuôi quy mô lớn gắn với an toàn sinh học đang trở thành yếu tố căn bản, chiếm tỷ trọng 50%, kể cả chăn nuôi trực tiếp hay vệ tinh. Hệ thống quản trị trong chăn nuôi, trong đó có nhóm gia cầm, đến nay cơ bản đồng bộ, công tác phòng chống, hỗ trợ, tiêu hủy đều có chính sách rõ ràng.

Để khống chế dịch bệnh cúm gia cầm H5N6, Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương hết sức chú ý phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm mới, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh.

{keywords}
Toàn bộ các tỉnh phải rắc vôi bột khử trùng phòng ngừa dịch cúm gia cầm

“Tất cả các tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường bằng vôi bột, làm tập trung chỉ trong một tuần, không kéo dài thì mới ngăn chặn virus lây lan. Dùng vôi bột rắc hiệu quả phòng bệnh rất cao, giá thành rẻ. Chỉ sử dụng hóa chất tại những nơi phát hiện có dịch bệnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Thú y và các ngành chức năng, các địa phương tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, các địa phương cần bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ngoài ra, tăng cường giám sát việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng chống dịch, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bảo Phương