Tại Việt Nam, thị trường ô tô khá nhỏ bé với tiêu thụ khoảng 200.000 đến 300.000 xe/năm, còn khá khiêm tốn so với lượng tiêu thụ xe hơn 2,1 triệu xe của Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng được các hãng xe danh tiếng quan tâm, đặt đại lý chính hãng với doanh số tiêu thụ gia tăng mạnh.

{keywords}
Lớp người giàu, siêu giàu tăng nhanh, tỷ lệ sở hữu siêu xe cũng vì thế gia tăng dù về Việt Nam, giá siêu xe sẽ đắt hơn rất nhiều so với các nước khác do thuế phí nặng

Theo báo cáo của Knight Frank, giới triệu phú tại Việt Nam hiện đã lên đến hơn 12.300 người, đây là những người có tài sản hàng chục tỷ đồng, đủ để sở hữu bất kỳ loại xe sang và siêu sang nào.

Trước đây, các dòng xe sang, siêu sang tại Việt Nam có khá nhiều dòng được nhập về dưới dạng xe cũ qua sử dụng, xe ngoại giao, xe biếu tặng. Thực chất, đây là các loại xe chạy lướt, xe trốn thuế về bán với mức khá rẻ và dường như các dòng xe sang, siêu sang đời mới không có cửa cạnh tranh.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, nhiều chính sách siết chặt hoạt động nhập khẩu xe biếu, tặng, xe cũ được áp dụng, hoạt động kinh doanh xe sang, siêu sang cũ không còn rầm rộ như trước.

Thời gian này cũng là lúc giới kinh doanh xe sang chính hãng dễ thở hơn ở Việt Nam và bắt đầu xu hướng nhiều hãng xe danh tiếng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài các thương hiệu xe sang như Lexus, Mercedes, BMW, Audi có mặt từ rất sớm và luôn chiếm lĩnh những khu đất vàng để mở đại lý, Việt Nam xuất hiện nhiều dòng xe sang danh tiếng khác như Land Rover, Maserati, Cadillac, Porsche, Lamborghini, Roll Royce cũng đặt đại lý hoặc được doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam.

Theo Giám đốc bán hàng của thương hiệu xe sang Anh Quốc ở Việt Nam, trở ngại lớn nhất của xe sang tại Việt Nam là thuế Tiêu thụ đặc biệt bị đánh ở mức khá cao so với các dòng xe phổ thông, do đó phân khúc khách hàng chủ yếu là người có tiền.

"Các dòng xe sang có dung tích từ 3.0L đến 6.0L, bị đánh thuế từ 90% đén 160%. Điều này khiến chiếc xe nhập về bị độii giá rất cao. Tuy nhiên, như tôi đã nói, tỷ lệ người giàu, người có tiền và giới siêu giàu ở Việt Nam ngày càng tăng, chính vì vậy xe sang vẫn có đất sống tốt ở Việt Nam", vị này chi biết.

Hiện khá nhiều thương hiệu xe sang vào Việt Nam kết hợp với các tập đoàn trong và ngoài để chiếm lĩnh địa điểm trưng bày xe phục vụ người có tiền. Chiến lược của các hãng xe sang không phủ sóng đại lý, showroom rộng khắp mà "đánh điểm".

Mỗi chiếc siêu xe có thể không có doanh số tính theo tuần, tháng mà tính theo quý, năm, vì vậy chỉ cần thỉnh thoảng có khách đặt và mua xe là đã có lãi.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong vòng 3 năm trở lại đây xe cỡ lớn đa dụng là dòng xe SUV tiêu thụ luôn đạt tỷ lệ cao.

Năm 2018, tổng lượng xe SUV tiêu thụ đạt trên 35.500 chiếc, tăng hơn 600 chiếc so với cùng kỳ các năm trước. Các dòng xe Lexus hay Mercedes đều có doanh số bán khá cao, trong đó Mercedes từ doanh số gần 4.000 chiếc năm 2016, hai năm gần đây luôn duy trì doanh số trên 6.000 chiếc/năm.

Ngoài các thương hiệu xe sang, siêu sang nằm trong VAMA, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi có các con số thống kê riêng, nhóm riêng. Theo một số doanh nghiệp, năm 2017 hoạt động kinh doanh xe có khó khăn nhưng năm 2018 có nhiều tín hiệu khả quan hơn do đơn hàng đến nhiều hơn và các hãng ngày càng quan tâm đến thị trường Việt.

Hiện tại, xe sang về Việt Nam chủ yếu cập bến tại Hải Phòng, TP.HCM, theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước (Cục Hải quan TP. HCM), trong 20 ngày đầu tháng 2/2019, cảng này đã thông quan hơn 1.500 xe hơi nguyên chiếc, trong đó có nhiều xe sang từ Đức về, đặc biệt có hai chiếc xe siêu sang Porsche được nhập từ Đức về với giá trên 20 tỷ đồng.

Ở phía Bắc, cảng Hải Phòng cũng thường xuyên nhận xe sang nhập về, các dòng xe sang Land Rover năm 2018 chủ yếu được thông qua tại cảng Hải Phòng.

(Theo Dân trí)