Huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) được xem là thủ phủ của giống bầu quả tròn khổng lồ, nhiều quả nặng tới 15kg. Không chỉ có hình dáng độc đáo, giống bầu này còn có hương vị đậm đà "độc nhất vô nhị".

Trước cửa nhà ông Trần Hiệu Quả (xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) là giàn bầu xanh mướt, vừa là nguồn thu nhập, vừa là thú vui của vợ chồng ông những ngày tháng tuổi già. Ông Quả cho biết, có thời điểm, giàn bầu nhà ông ra tới 40-50 quả, quả nào cũng to, quả lớn quả bé nối tiếp nhau.

Ông Quả từng đi nhiều nơi nhưng không thấy ở đâu có giống bầu to như ở vùng đất Cát Hải quê ông. Khi quả lớn chừng 2kg, ông lấy miếng gỗ buộc chặt trên giàn làm giá đỡ vì quả lớn nhanh cuống sẽ không giữ được quả. Đến khi quả phát triển nặng đến cả chục kg, gia đình ông mới cắt đem bán.

Đầu mùa, gia đình ông Quả bán được 20.000 đồng/kg, giá sau đó dao động theo thị trường, có thời điểm xuống 10.000 đồng/kg. Các thương lái tới tận nhà để mua rồi họ mang ra chợ bán. Có khi khách tới chơi, ông lại mang biếu để người xa, người gần cùng được thưởng thức vị đậm đà của giống bầu tròn Cát Hải.

Đây là quả bầu được ông Quả dành lấy hạt giống để độ tháng 6, tháng 7 âm lịch sẽ ra bầu chuẩn bị cây trồng cho vụ sau. "Giống bầu này chỉ cần giàn thấp, tầm hơn 1m, không thích ở trên cao gió lộng. Bầu leo lên giàn hay mái nhà đều được, ra giêng sẽ được quả ăn", ông Quả nói.

Theo ông Đoàn Quang Chiêm, một trong những hộ có diện tích trồng bầu lớn nhất của xã Nghĩa Lộ, giống bầu tròn có từ thời ông cha để lại, truyền qua rất nhiều đời. Trước đây, người dân trồng bầu để làm gáo múc nước phục vụ sản xuất nước muối, nước mắm thủ công. Nhiều năm trở lại đây, khi nghề làm muối thủ công ở Cát Hải mai một, bầu được dùng để chế biến món ăn hằng ngày.

Để có được những giàn bầu sai trĩu quả, quả nào quả nấy to bằng miệng nón, những người nông dân huyện đảo dồn vào không ít công sức. Từ ươm hạt, trồng cây, chăm sóc cây, làm giàn. Tuy nhiên, ông Chiêm cho hay, nhiều người bạn và cả con gái ông cũng từng mang hạt bầu đi trồng ở vùng đất khác nhưng không hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên quả cũng chỉ nặng tầm 4-5kg, chứ bầu không to như trồng ở vùng đất Cát Hải.

Bầu Cát Hải cùi dày, hái đúng lúc bánh tẻ sẽ ngon. Bầu có thể xào tỏi, nhúng lẩu nhưng ngon nhất là nấu canh với tôm tươi. Đặc biệt, nhiều người dân Cát Hải khi nấu canh bầu này thì cho thêm vào một ít rau dền cơm, canh sẽ rất ngon ngọt.

Mặc dù quả bầu giá trị kinh tế không cao nhưng những người nông dân nơi đây duy trì trồng, chăm bón hết năm này qua năm khác. Bén duyên với giống bầu tròn khổng lồ từ bé, ông Chiêm cũng trăn trở trước nguy cơ giống bầu bị thất truyền khi quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, đất thu hẹp, chỉ còn ít hộ duy trì trồng giống cây này.

(Theo VTC News)