Từ ăn sữa bột Trung Quốc đến bán sữa tươi cho nước bạn

Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với tổng trị giá lên tới gần 10 tỷ USD trong năm 2018. Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng khoảng 45% tính đến năm 2025.

Vì thế, xuất khẩu được sản phẩm sữa sang thị trường 1,4 tỷ dân này được cho là cơ hội vàng cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam.

Song, theo tiết lộ của một số doanh nghiệp ngành sữa, từ trước đến nay, sữa Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số lượng rất hạn chế. Mục đích một phần để thăm dò thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc, phần khác do những yêu cầu khắt khe của nước này.

Để xuất khẩu chính ngạch sữa sang Trung Quốc, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho hay, quá trình chuẩn bị khởi động từ năm 2013. Trong vòng 5 năm, tới 2018, Bộ NN-PTNT đã tích cực phối hợp cơ quan chức năng 2 nước đàm phán về việc xuất khẩu sản phẩm sữa chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc.

{keywords}
Đại diện cơ quan chức năng Việt Nam, Trung Quốc và doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc sáng 22/10

Tháng 1/2019, Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y chủ trì đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các nội dung chính trong Nghị định thư, như điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT cũng xây dựng hướng dẫn chi tiết các yêu cầu về mặt kỹ thuật của phía Trung Quốc, thậm chí mời cả chuyên gia Trung Quốc sang thẩm định.

Kết quả, ngày 26/4/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký “Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”. Nghị định thư có 17 Điều, trong đó có nhiều quy định khắt khe về quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, truy xuất nguồn gốc...

Theo đó, 5 doanh nghiệp đầu tiên được đề xuất xuất khẩu sữa vào Trung Quốc là Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.

Ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc

Ông Phạm Văn Đông cho biết, sau hành trình hơn 5 năm đàm phán, ngày 22/10, lô sữa chính ngạch đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng bổ sung các hương liệu tự nhiên của TH True Milk.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, bày tỏ: “Hơn cả việc xuất khẩu và thu được lợi nhuận, mà điều quan trọng nhất là ngành sữa Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, chinh phục được một thị trường rộng lớn và ngày càng khó tính, bởi vài năm trước Trung Quốc đã từng cho đóng cửa nhiều nhà máy sữa kém chất lượng”.

Hiện vẫn còn 4 doanh nghiệp sữa khác của Việt Nam đang chờ phía hải quan Trung Quốc xét duyệt hồ sơ và thông báo sau khi có kết quả đánh giá.

Như vậy, thị trường sữa khu vực đã chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục khi 10 năm trước, một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sữa bột từ Trung Quốc về pha lại thì hiện tại, doanh nghiệp sữa Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi sạch tiêu chuẩn quốc tế tới từ đồng đất Việt Nam vào Trung Quốc.

Lấy lại vị thế ngành chăn nuôi

Tại buổi lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên sang Trung Quốc, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,42 tỷ người thu nhập trung bình hơn 10 ngàn USD/người/năm, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản lên tới 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi từ 9-10 tỷ USD, thủy sản và sản phẩm thủy sản 8-10 tỷ USD, thịt và sữa 9-10 tỷ USD và gạo 2-2,5 tỷ USD.

Thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, hạn chế thương mại tiểu ngạch.

{keywords}
5 năm nữa đàn bò sữa của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay

“Chúng tôi nhìn nhận đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa, tự hoàn thiện, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, phát triển thị trường”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Cường khẳng định, việc xuất khẩu lô sữa chính ngạch đầu tiên vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của ngành nông nghiệp Việt Nam. Qua đó có thể thấy chất lượng hàng hóa nông sản Việt có thể đáp ứng được những yêu cầu cao nhất.

Bởi, theo ông, sữa vốn là ngành hàng yêu cầu rất cao và khắt khe, Việt Nam lại không phải là nước có lợi thế về chăn nuôi bò sữa. Nhưng 20 năm qua, các doanh nghiệp cùng bà con nông dân đã trả lời bằng thành quả hôm nay. Không có ngành hàng nào tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 20% như ngành hàng sữa. Hiện nay, công nghệ tốt nhất cũng đã hiện hữu ở Việt Nam, kể cả công nghệ 4.0.

"Việt Nam đang có 330 ngàn con bò sữa với sản lượng 1 triệu tấn sữa/năm. Cách đây 10 năm không ai dám mơ ước về điều này", Bộ trưởng nói. Việc xuất khẩu sữa chính ngạch vào Trung Quốc là tiền đề, tạo động lực cho nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.

Nông sản Việt Nam rất tốt, thị trường Trung Quốc lại rất tiềm năng, các mặt hàng nông sản của nước ta có thể bổ trợ cho Trung Quốc. Hiện Việt Nam mới có 128 sản phẩm thủy sản, 9 loại trái cây, gạo, chè, cà phê,... xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Việt Nam chăn nuôi là ngành rất quan trọng, nhưng kim ngạch xuất khẩu mới đạt 700 triệu USD. Bộ trưởng kỳ vọng, cùng với mặt hàng sữa, xuất khẩu chính ngạch gia cầm sẽ giúp ngành chăn nuôi trở về đúng vị trí của nó.

“Chúng ta tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phấn đấu 5 năm nữa đưa số đàn bò gấp đôi hiện nay”. Bộ trưởng nói và yêu cầu các dự án của TH True Milk, của Vinamilk, Mộc Châu Milk cùng các tỉnh tập trung sản xuất, đi đôi với đó là quản lý tốt theo đúng yêu cầu.

Trước đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ N-PTNT) dự báo, việc xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ đưa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm tới. Sữa nước và sữa chua là những mặt hàng mà người dân nước này ưa chuộng.

Tâm An