Đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi,thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo, Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) giúp bà con nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển kinh tế nông thôn.

Thu tiền trăm triệu nhờ hướng đi đúng

Năm 2017, sau khi đi tập huấn về cây trồng, tìm hiểu về dự án SRDP, chị Trần Thị Mai (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Binh) quyết tâm chặt hạ vườn keo để trồng cây sim có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sau 1 năm lo lắng, chị thở phào vì vườn sim phát triển tốt. Tại địa phương, rất nhiều bà con cũng đã chuyển sang trồng sim. Gia đình chị cùng 13 hộ gia đình khác đã liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập. Tổ hợp tác này được dự án SRDP hỗ trợ 145 triệu đồng (dự án hỗ trợ mỗi gia đình 50%, còn lại 50% kinh phí là các hộ dân tự bỏ ra để đầu tư).   

Đến nay tổ hợp tác đã trồng được gần 10.000 cây sim với diện tích hơn 4ha, vườn sim đang bước vào thời kỳ thu hoạch quả, tổng sản lượng ước đạt hơn 6 tấn. Với giá bán trên thị trường từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí tổ hợp tác trồng sim Chày Lập thu về gần 200 triệu đồng.

{keywords}
 

Tại vùng cát trắng ven biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, cách đây 2 năm, anh Lê Ngọc Lễ chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nuôi lợn sang nuôi bò. Trước những khó khăn ban đầu, anh được Dự án SRDP hỗ trợ triển khai mô hình thử nghiệm trồng cây thức ăn xanh cho đại gia súc trên cát không bằng phẳng và thiếu nước. Dự án đã đưa vào đây nhiều giống cỏ năng suất cao, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng cao cho chăn nuôi bò.  Hiện anh Lễ đang liên kết với 100 hộ nông dân khác cùng chăn nuôi bò, phủ xanh hơn 2.000ha vùng cát ven biển, hình thành nên nhiều trang trại trên cát, giúp các hộ dân thu tiền tỉ mỗi năm.

Hay như xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, cây lạc được xác định là cây chủ lực với. Vụ mùa mới đây, diện tích trồng lạc của xã đạt 156 ha, năng suất 26 tạ/ha, sản lượng đạt gần 410 tấn. Tuy nhiên, giá lạc giảm mạnh lại khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên “bà đỡ” SRDP đã giúp bà con liên kết với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Không chỉ cung cấp giống, phân bón hữu cơ, bà con cũng yên tâm khi sản phẩm được bao tiêu theo giá thị trường, yên tâm về đầu ra.

Hướng làm giàu bền vững

Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình được triển khai thực hiện với mục đích cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ gia đình nghèo ở nông thôn tại các xã vùng Dự án. Mục tiêu của Dự án là đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo và nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn.

Sau 5 năm triển khai, dự án SRDP đã thực hiện được 15 chuỗi giá trị gồm bò, dê, gà, ong, thỏ, ngô, sim, nấm, nghệ, cà gai leo, keo, lạc, lúa, bưởi và dưa lưới tại 40 xã thuộc 6 huyện.

Tính đến tháng 8/2018, đã có 230 tiểu dự án CSA của 213 THT, 4 HTX và 13 hộ gia đình được tiểu ban CSA cấp tỉnh và huyện phê duyệt nhận tài trợ. Tổng số hộ hưởng lợi từ các tiểu dự án CSA là gần 2.700 hộ, trong đó có gần 1.930 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 72,4%, cao hơn 2,5 lần về số lượng mục tiêu); đại diện hộ gia đình tham gia là nữ chiếm 63,5% và là người dân tộc thiểu số chiếm 5,5%.

Các tiểu dự án cũng đã giúp cho các hộ hưởng lợi có những thay đổi tích cực về tập quán, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng quy mô sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng và thu nhập, đồng thời thực hiện các hoạt động chung trong HTX, THT và liên kết với doanh nghiệp. Đây là một hướng đi chắc chắn giúp người dân giảm nghèo nhanh, bền vững.

M.M - Phương Cúc (tổng hợp)