Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với danh thắng, địa chất nổi bật, đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa,  thác Đray Sáp, Gia Long, thác Lụa,... ; các vườn quốc gia Tà Đùng, Nam Cát Tiên; khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung... Đó là nền văn hóa đặc sắc của 40 dân tộc như Mạ, Ê đê, M’nông,... với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, trên cơ sở các giá trị địa chất và văn hóa đặc sắc đó, Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”.

Đây được xem là sản phẩm giữ vai trò chủ đạo, mang tính độc đáo, riêng biệt, thu hút du khách khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông.

{keywords}
Giới thiệu thổ cẩm Đắk Nông với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL 

Đặc biệt, hệ thống hang động (trên 100 hang), những mỏ đá, mỏ quặng,… được hình thành với sự phun trào của núi lửa cách đây 3,5 triệu năm cũng là những đặc điểm riêng biệt của hệ thống Công viên địa chất được UNESCO ghi nhận.

Theo bà Hạnh, đây là một loại hình du lịch địa chất chứa hàm lượng tri thức khoa học cao và khá kén chọn đối tượng khách, đồng thời còn khá xa lạ đối với đa số người dân Việt Nam.

Mặt khác, đây chưa phải là các điểm đến đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nên gần như còn nguyên vẹn và hoang sơ.

Do đó, tỉnh  đang rà soát các điểm tiêu biểu trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đồng thời, điều chỉnh các điểm không phù hợp và bổ sung vào các điểm mới để phục vụ du khách.

Ông Phạm Đình Tuấn - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, cho rằng, với những tiềm năng, thế mạnh trên, tỉnh tập trung khai thác 4 sản phẩm du lịch chủ lực: sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng (homestay) và du lịch nghỉ dưỡng.

Để kêu gọi nhà đầu tư và du khách đến với vùng đất mới này, từ 24-29/11, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức một loạt sự kiện gồm Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2, Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch 2020 và đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

{keywords}
Hồ Tà Đùng, một điểm đến đang được nhiều người yêu thích

Tại buổi họp báo giới thiệu tuần lễ sự kiện này, trả lời PV.VietNamNet, ông Phạm Đình Tuấn cho hay, tỉnh mới tái lập 16 năm nay nên còn nhiều khó khăn, du lịch mới chiếm 4,35% trong cơ cấu DGP. Một con số quá nhỏ bé, như lời nhận xét của Phó Chủ tịch UBND Tôn Thị Ngọc Hạnh. Chính vì vậy, giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông xác định công tác xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư là trọng tâm.

Ông Tuấn nói thêm, để thu hút được nhà đầu tư và khách du lịch, Đắk Nông đang dần tháo gỡ những trở ngại như cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và du lịch. Trong đó, tỉnh xem xét kêu gọi đầu tư sân bay, xin Chính phủ hỗ trợ đường cao tốc Đắk Nông - TP.HCM, trước mắt là đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước.

Hơn nữa, chính sách của địa phương cũng còn nhiều điểm nghẽn mà theo ông Tuấn, cần xem xét kỹ các hạn chế Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chỉ ra để khắc phục (năm 2019, Đắk Nông đứng gần cuối bảng về chỉ số này).

Ngoài ra, việc kết nối với các địa phương lân cận chưa nhiều. Tuần lễ sự kiện sắp tới chính là cơ hội để Đắk Nông đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh.

Trao đổi với báo chí, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, 2020 là năm có nhiều biến cố, khó khăn do dịch bệnh, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của các địa phương và doanh nghiệp.

Việc Đắk Nông tổ chức 3 sự kiện trên sẽ tạo dấu ấn mạnh về một vùng đất mới Đắk Nông với danh lam thắng cảnh đặc sắc, với chiều sâu, bề dày văn hóa, thể hiện ở quá trình lịch sử ra đời và nét tinh tế trên thổ cẩm. Hy vọng điểm đến mới này sẽ tạo ra nguồn cảm hứng, sức hút với nhà đầu tư và du khách trong thời gian tới.

Ngọc Hà