Giảm giá, thiết kế tour mới, tìm cách giá trị gia tăng cho tour cũ,... nhiều đơn vị lữ hành trong nước chật vật tìm cách lôi kéo khách đi tour nội địa, vốn đang lép vế trước làn sóng đi du lịch nước ngoài bùng nổ như một trào lưu mới.

Tour trong nước lép vế

Vợ chồng chị Đào (Hà Nội) vừa đi du lịch Campuchia về tuần trước, theo tour của một hãng lữ hành. Vẫn chưa hết thích thú, chị hào hứng kể đủ điều về cách làm du lịch của nước láng giềng, chuyên nghiệp ra sao, mặc dù về cơ sở hạ tầng, phương tiện,... Campuchia chỉ ngang, thậm chí không bằng Việt Nam.

Khách Việt sang đây đông lắm, đi đâu cũng gặp người Việt, như ở nhà vậy - chị nhận xét.

Không chỉ chị Đào ấn tượng về cách nước ngoài làm du lịch. Chị cho hay, trong đoàn có hai khách nữ trung tuổi, đến từ Thái Nguyên. Các chị khoe, mỗi năm đều thu xếp đi du lịch nước ngoài cả chục chuyến, hầu như tháng nào cũng đi. Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hongkong, Singapore,... hai chị đều đã đặt chân tới. Đang đi Campuchia mà các chị đã tìm tour Dubai giá tốt cho tháng tới. Tất nhiên là gia đình các chị có điều kiện.

{keywords}
Người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông

Hỏi tại sao chị hay đi, thích đi du lịch nước ngoài như thế, một trong hai chị thẳng thắn: “Nói thật với em, du lịch trong nước, cảnh đẹp thật đấy, nhưng dịch vụ chán. Chị đi nước ngoài, quen được chăm sóc, phục vụ đúng nghĩa, thấy sướng”.

Trên thực tế, trào lưu đi du lịch nước ngoài bùng nổ 2-3 năm lại đây. Một hãng lữ hành tại Hà Nội thừa nhận, trong cơ cấu khách của mình, tỷ lệ đi du lịch nước ngoài - du lịch nội địa lên tới 70-30, tức 100 người thì 70 người chọn xuất ngoại đi du lịch. Vào những dịp cao điểm, dịp nghỉ lễ, các hãng lữ hành luôn phải chốt khách vào khóa sổ sớm các tour đi nước ngoài, đặc biệt là các tour giá hấp dẫn dưới 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc công ty du lịch Hanoi Redtours, phân tích 3 lý do khiến du khách Việt kéo nhau đi du lịch ngoài. Đó là việc đi nước ngoài không hề khó khăn, chỉ cần qua công ty du lịch có sẵn dịch vụ; khách có tâm lý sính ngoại, thích đi các nước phát triển hơn, khác biệt, mới mẻ,... mà Việt Nam không có, tóm lại đáp ứng nhu cầu “sang chảnh”; cuối cùng là dịch vụ tốt hơn, giá tour lại dễ chịu.

Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, điều này thúc đẩy các nước ngoài mạnh tay chi tiền, gia tăng các hoạt động quảng bá, xúc tiến.

Hầu hết các thị trường đông khách Việt đã mở cơ quan xúc tiến du lịch tại Việt Nam, như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... ; các hãng hàng không đua nhau mở đường bay tới các điểm đến đó, điển hình riêng từ Việt Nam sang Thái Lan, có tới 5-6 hãng hàng không mở đường bay thẳng, Hàn Quốc, Đài Loan cũng vậy, khiến giá vé rất rẻ. Giá vé thường đi Thái Lan chỉ 120-130 USD/khách/khứ hồi (chưa tới 3 triệu đồng), rẻ hơn cả bay Hà Nội - Nha Trang; rồi chính sách visa thông thoáng,...

Chính vì vậy, chúng ta không mấy ngạc nhiên trước các con số thống kê khách Việt đi du lịch nước ngoài.

Chẳng hạn, Hàn Quốc đã đón hơn 250.000 lượt khách Việt Nam sang du lịch năm 2016, tăng 58% so với năm 2015. Với Nhật Bản, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2012-2016, số lượng khách Việt đi du lịch Nhật tăng gấp 4 lần và đạt hơn 230.000 lượt vào cuối năm ngoái. Tại thị trường Đài Loan, nhờ có sự góp mặt của 7 hãng hàng không, với hơn 220 chuyến bay giữa hai nước, mà chỉ trong tháng 1-2/2017, hơn 40.000 du khách Việt Nam đã đến đây, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2016. Chưa kể, Campuchia cũng thu hút khoảng 1 triệu, Thái Lan khoảng 830.000 lượt khách Việt đến các nước này năm ngoái.

{keywords}
Các hãng lữ hành tìm cách kéo khách đi tour nội địa. Trong ảnh khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản

Chật vật cạnh tranh

Khách đi nước ngoài ngày càng đông cũng là “miếng bánh ngon” để các hãng lữ hành trong nước thi nhau mở tour, đua nhau giảm giá kéo khách. Sức ép đè nặng lên các công ty chuyên làm tour nội, hoặc đơn giản là mảng tour nội của chính các hãng lữ hành. Thêm vào đó, các yếu tố khác như xu hướng khách tự đi du lịch ngày càng nhiều, giá vé máy bay chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá tour,... khiến tour nội thêm chật vật, yếu thế trong cuộc đua khốc liệt.

Trên thực tế, nếu so với giá tour đi nước ngoài, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), cho hay, không hề đắt.

Chẳng hạn, một tour đi Đài Loan 5 ngày giá khoảng 10 triệu, trong khi đi miền Bắc 7 ngày giá cũng chỉ tầm 10 triệu; hay đi Thái Lan hết 5-6 triệu, nhưng với giá đó, du khách hoàn toàn có thể đặt tour đi Huế - Đà Nẵng,...

Song, theo ông Dũng, sự nỗ lực của các hãng lữ hành lâu nay, đặc biệt trong việc giảm giá tour mà không giảm chất lượng dịch vụ, vẫn chưa đủ để xóa đi tai tiếng “giá tour Việt Nam đắt hơn tour nước ngoài”.

Trong khi đó, ông Dũng cho hay, giá tour du lịch nội địa không ổn định do giá vé máy bay bấp bênh, phải đặt từ rất sớm; giá dịch vụ đi kèm như phòng ốc, vé tham quan,... cũng hay thay đổi, nhất là vào mùa cao điểm hoặc dịp lễ.

Vì thế, cao điểm du lịch hè năm nay, các hãng lữ hành nỗ lực đẩy mạnh kéo khách du lịch nội địa.

Ông Dũng cho biết Thế Hệ Trẻ phải bám chặt thế mạnh của mình là chuyên làm tour mới để giữ khách. Hơn chục tour mới của công ty vẫn còn nguyên giá trị, mỗi năm, công ty lại nỗ lực giảm chi phí, giảm lợi nhuận, tăng chất lượng để tăng giá trị gia tăng cho tour. Ngoài nỗ lực giảm giá, khuyến mãi, các công ty lữ hành như Vietravel, Du lịch Việt, TST tourist,... còn chú trọng đến khách gia đình, gia đình kèm trẻ em, bằng cách thiết kế tour riêng hay giảm giá, tặng quà cho đối tượng này.

Phó Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan thì cho rằng, để thu hút khách đi tour nội địa, cần kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn, điểm đến,... tốt hơn nhằm duy trì mức giá tour ổn định, tránh chạy theo cung - cầu, làm ăn chụp giật theo mùa và "chặt chém" khách.

Cơ quan quản lý, điểm đến hay các đơn vị lữ hành cũng cần tư vấn cho khách nên đi du lịch vào thời điểm nào là hợp lý, tránh những ngày lễ cao điểm nhưng cũng không vì thế mà để khách sợ, không dám quay trở lại - ông Hoan nói.

Ngọc Hà