Trong khi Quảng Ninh đóng cửa hàng loạt cửa hàng chỉ bán cho du khách Trung Quốc, thì tại Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng, nhiều cơ sở chỉ phục vụ khách Trung Quốc, vẫn tiếp tục từ chối khách Việt và vẫn hoạt động trong vòng bí ẩn. Các cơ sở này tăng cường cảnh giới hơn khi trước đây bị báo chí phản ánh.

Ngoài ra ở Nha Trang, tình trạng đổi đồng nhân dân tệ “chui” cũng hoạt động trở nên công khai, bất chấp pháp luật. Và đến nay các cơ quan chức năng của Đà Nẵng, Khánh Hoà vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt...

{keywords}

Khách Trung Quốc được đưa vào một căn phòng kín và được giới thiệu sản phẩm tại hàng caosu của Cty TNHH T. H. T. D trên đường Ngô Thì Nhậm.

Mời người Việt ra ngoài

Ngày 2.4, chúng tôi đến cơ sở Ngọc Việt trên đường Võ Thị Sáu, TP. Nha Trang. Các đoàn xe đưa khách Trung Quốc đến cơ sở này xếp hàng dài dưới lòng đường, dù đoạn đường này đã cắm biển cấm đậu, đỗ xe. Chúng tôi từng vào cơ sở này nhưng bị nhân viên mời ra và từ chối tham quan, mua hàng. Theo người dân khu vực này, ngày nào họ cũng thấy cả đoàn xe du lịch nhiều chỗ ngồi đưa khách Trung Quốc đến cơ sở này. “Lúc nhiều có đến 5 - 6 chiếc xếp thành hàng dài. Người dân chúng tôi rất bức xúc” - ông Dũng (một người dân sống gần đó) cho hay.

Cơ sở này bán đồ lưu niệm như trầm hương, ngọc trai… và chỉ đón các đoàn khách Trung Quốc đến đây mua hàng. Tương tự, tại số 10, Lê Hồng Phong (Nha Trang) là tòa nhà bán áo dài Việt Nam. Tòa nhà này bố trí bảo vệ ngay tại cánh cửa nhỏ cho khách ra vào. Hằng ngày, hàng chục xe đưa đón khách, đặc biệt là khách Trung Quốc cũng nườm nợp đến đây tham quan, mua hàng. Trước tòa nhà này là một cửa hàng tạp hóa trưng biển ghi nhiều dòng chữ Trung Quốc phục vụ du khách.

Trong vai khách mua hàng, PV có mặt tại cửa hàng caosu của Cty TNHH T.H.T.D trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để tìm hiểu hoạt động mua bán của đơn vị này. Do trước đây, đã có lần bị xử lý vì không bán hàng cho người Việt, tại đây, PV được một nhân viên đưa vào, giới thiệu các sản phẩm được làm từ caosu thiên nhiên với các mức giá từ 1-20 triệu đồng.

Tuy vậy quan sát phần lớn chỉ là các đoàn khách Trung Quốc được đưa vào căn phòng chưa đầy 20m2 khép kín để giới thiệu sản phẩm. Trong suốt quá trình đoàn xuống xe và mua sắm tại cửa hàng này, PV không thấy có sự xuất hiện của HDV người Việt nào.

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận: “Những cửa hàng này ở Đà Nẵng thường bán hàng chất lượng chưa tốt hoặc đẩy giá bán cao hơn giá thị trường nhiều lần. Nếu những vị khách khi vào cửa hàng mua sắm với giá “cắt cổ” như vậy họ sẽ có cảm giác bị lừa đảo và từ đó họ sẽ tẩy chay du lịch Đà Nẵng. Để chấn chỉnh tình trạng bán giá cao này, ngoài cơ chế niêm yết giá bán theo quy định thì cơ quan quản lý phải thường xuyên quản lý chất lượng sản phẩm” - ông Vinh nói.

{keywords}

Các đoàn xe nối tiếp đưa khách Trung Quốc đến tòa nhà bán áo dài trên đường Lê Hồng Phong, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (ảnh chụp chiều 2.4). 

Trao đổi, mua bán bằng nhân dân tệ công khai

Nghiêm trọng hơn, tại Khánh Hoà gần đây trên tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai (Nha Trang) nhiều điểm công khai treo bảng hiệu đổi đồng nhân dân tệ phục vụ khách Trung Quốc.

Trước đây, lực lượng chức năng ở Nha Trang từng xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh giao dịch bằng nhân dân tệ. Cơ sở Kỳ Nam Hưng thuộc Công ty TNHH Đàm Long (đường Nguyễn Thị Minh Khai) từng bị xử phạt 20 triệu đồng vì mua bán hàng hóa bằng NDT. Đoàn liên ngành do Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa chủ trì cũng đã kiểm tra 29 cơ sở về giá và thuế lĩnh vực lưu trú, lữ hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch, xử phạt cảnh cáo và phạt tiền 6 trường hợp vi phạm; chuyển hồ sơ, xử lý Công ty TNHH đầu tư TMDV Thái Hòa (TP. Nha Trang) do bán hàng lưu niệm niêm yết giá bằng nhân dân tệ, ghi hóa đơn cho khách bằng VND và nhân dân tệ...

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa - khẳng định việc trao đổi đồng nhân dân tệ trên các tuyến đường ở TP. Nha Trang là hoạt động “chui”. “Chúng tôi chưa cấp phép cho đơn vị nào trên địa bàn được phép thu, đổi đồng nhân dân tệ. Đó là việc làm sai, vi phạm quản lý ngoại hối và văn bản của Ngân hàng Nhà nước ban hành theo Nghị định 96. Nếu lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản gửi về Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì sẽ bị phạt rất nặng” - vị này nói. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì, việc này vẫn tồn tại, dù lực lượng chức năng đã tung lực lượng kiểm tra nhiều lần.

Trả lời vấn đề này, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho rằng: “Lực lượng chức năng đi kiểm tra thì họ dẹp, trốn. Khi lực lượng kiểm tra đi khỏi rồi là tình trạng này cứ như thế” - vị lãnh đạo này nói và khẳng định các ngân hàng thương mại hiện không đổi đồng nhân dân tệ. Vị này cho biết thêm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đang làm, xử lý hoạt động đổi ngoại tệ “chui” này.

Cuộc chiến với tour 0 đồng

Tour giá rẻ là cuộc chiến của ai?

Với DN du lịch, tour giá rẻ có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng” hay “tour lãi âm”. Đây là tour mà Cty đón khách không thu chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các Cty gửi khách, được gọi là “mua đoàn”. Thông qua các hình thức như - chăn dắt - khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ để bù lại chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa, còn lại sẽ là “lãi âm” hoặc “lãi dương”. Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của các Cty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tour giá rẻ hay tour 0 đồng thực chất xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có nhiều Cty cùng bán một sản phẩm nên phải giành giật khách bằng giá rẻ. Nhiều Cty đón khách vì muốn tranh khách nên chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường.

Việt Nam làm gì với tour 0 đồng?

Trong tình hình hiện tại ở VN, thứ nhất, phải quản lý tốt các Cty lữ hành, cấm “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn viên và giấy phép lữ hành quốc tế. Thứ hai, với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hằng năm sẽ xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng tiếng Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; công khai khắp nơi để khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện. Thứ tư, cần thay đổi quan điểm nhìn nhận đối với bản chất của thị trường và thái độ ứng xử với khách.

Lê Vàng - Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch

(Theo Lao Động)