Trong một chiều hè uể oải, người giao hàng lái chiếc xe máy cũ kĩ băng qua con đường gập gềnh ở làng Klinovac hẻo lánh (thị trấn Bujanovac, Serbia) đến nhà của Sasa Antic để giao cho anh sữa, bơ và một số hàng hóa khác.

Theo Bloomberg, đây là vùng đồng quê nghèo nàn, lạc hậu, sống chủ yếu bằng nghề nông và chăn nuôi. Số dê đi lại trên các con đường nhỏ ở làng Klinovac nhiều vượt xa số xe hơi.

Cũng như nhiều dân làng, Antic, 30 tuổi, đã thất nghiệp trong một khoảng thời gian. Kinh tế gia đình anh giờ đây phụ thuộc vào lương hưu và tiền trợ cấp của mẹ anh.

Kho bau khong lo nam duoi ngoi lang heo lanh o chau Au hinh anh 1

Đường làng Klinovac, nơi dê đi lại còn nhiều hơn xe hơi. Ảnh:Bloomberg.

Kho báu tiềm tàng

Tuy nhiên, nằm sâu trong lòng đất tại ngôi làng Nam Tư cũ hiu quạnh này là một kho báu tiềm tàng, có thể sẽ giúp châu Âu chiếm lợi thế trong cuộc chạy đua kinh tế - công nghệ với châu Á.

Các nhà địa chất học châu Âu đang khảo sát khu vực này để tìm kiếm một kim loại có ý nghĩa to lớn đối với ngành công nghệ hiện đại. Đó là lithium, nguyên liệu không thể thiếu của pin điện thoại thông tin và xe hơi chạy điện.

“Ngôi làng này có lẽ là nơi kém phát triển nhất ở Serbia và chúng tôi đang lâm vào ngõ cụt. Nhưng nếu tìm được nguồn dự trữ lithium tại đây, chúng tôi sẽ đổi đời”, Bloomberg dẫn lời anh Antic nói.

Cách Klinovac vài km đường đồi, ngôi làng nghèo Panevlje cũng đang trong tình trạng hấp hối vì kinh tế kiệt quệ. Tuy nhiên, cư dân địa phương vẫn hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn nhờ vào lithium.

“Rõ ràng không có gì dành cho người trẻ tại đây. Ngôi làng có một số lao động thủ công, nhưng cũng không bớt đi vẻ hoang vắng. Xây dựng một mỏ khai thác sẽ mang lại sức sống mới cho nơi này”, một dân làng háo hức.

Kho bau khong lo nam duoi ngoi lang heo lanh o chau Au hinh anh 2

Tại một quặng lithium. Ảnh:Bloomberg.

Nhu cầu lithium toàn cầu đang bùng nổ khi các tập đoàn công nghệ tìm mọi cách cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bloomberg ước tính rằng nhu cầu khai thác lithium để chế tạo pin cho các công cụ điện tử - từ điện thoại iPhone cho đến xe điện Tesla - sẽ tăng 800% trong 11 năm tới.

Các chuyên gia địa chất xác định Serbia sở hữu nguồn dự trữ lithium lớn nhất châu Âu. Hồi tháng 2/2019, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mô tả nguồn dự trữ lithium "là một trong những niềm hy vọng lớn nhất" của đất nước. 

Ông kêu gọi các công ty trong nước và quốc tế lập tức thăm dò và khai thác lithium tại Serbia. Tập đoàn khoáng sản Rio Tinto Group (Anh - Australia) đang thực hiện các cuộc khảo sát cần thiếp. 

Cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp mới

Nguồn lithium dồi dào ở Serbia được phát hiện từ năm 2004 bên trong các quặng đá tại thung lũng Jadar. Chúng chứa đầy lithium và boron, khoáng sản cần thiết để sản xuất gốm sứ, phân bón và vật liệu cách nhiệt.

Các quốc gia châu Âu khác như Cộng hòa Czech hay Áo cũng đang nghiên cứu tiềm năng khai thác lithium. Romania đã mở lại các mỏ khai thác đất hiếm. Hàng loạt tập đoàn quốc tế đang mở rộng quy mô dây chuyền sản xuất pin trong khu vực, ví dụ như những gì Daimler AG và Johnson Matthey đang làm ở Ba Lan.

Giới quan sát nhận định nguồn tài nguyên lithium tại Serbia - nếu được khai thác hiệu quả - sẽ giúp châu Âu cạnh tranh với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia sản xuất lithium lớn thứ ba thế giới và là nhà chế tạo pin lithium-ion số một hành tinh.

Kho bau khong lo nam duoi ngoi lang heo lanh o chau Au hinh anh 3

Không chỉ Serbia, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã nghiên cứu khai thác lithium.Ảnh: Bloomberg.

Rio Tino, một trong những tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất toàn cầu, và Công ty Jadar Lithium (Australia) đang tiến hành khảo sát trữ lượng lithium tại Serbia. Đứng sau Jadar Lithium là một nhóm nhà đầu tư giàu có do Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. làm đại diện. 

Khảo sát sơ bộ của chính phủ Serbia cho thấy toàn bộ nước này sở hữu khoảng 200 triệu tấn lithium. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết đã xác định được vị trí của khoảng 1 triệu tấn lithium ở quốc gia châu Âu.

Theo USGS, rất khó để xếp Serbia đứng ở vị trí nào trên bảng xếp hạng nguồn dự trữ lithium thế giới, vì dữ liệu cụ thể về ngành khai thác khoáng sản quốc gia này tương đối ít. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nước sở hữu nguồn dự trữ lithium khổng lồ nhưng chưa khai thác, ví dụ như Bolivia.

Ít nhất 3 năm nữa Serbia mới có thể bắt đầu khai thác lithium, nhưng chính quyền nước này đã khuyến khích, ủng hộ phát triển các hoạt động tinh chế và sản xuất pin.

Ông Nenad Antic, Phó thị trưởng thành phố Vranje, đô thị gần khu vực khảo sát của Jadar Lithium, khẳng định việc mở nhà máy sản xuất pin sẽ là chìa khóa để nâng cao đời sống người dân địa phương, và giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp nơi đây.

Kho bau khong lo nam duoi ngoi lang heo lanh o chau Au hinh anh 4

Toàn cảnh thành phố Vranje.Ảnh: Bloomberg.

Vranje có dân số 80.000 người, và tới 10.000 người đang không có việc làm. Tập đoàn Rio Tino tuyên bố Jadar có giá trị lớn đối với Serbia và lithium cùng boron sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng ở tương lai.

Ông Luke Martino, Chủ tịch Jadar Lithium, đánh giá Serbia có thể là một trung tâm công nghiệp năng lượng mới, từ khai thác, đến tinh chế và sản xuất pin. Hiện công ty này đang khảo sát một khu vực trải rộng từ Vranje đến biên giới. 

“Chúng tôi cần 3-5 năm để khảo sát nguồn dự trữ lithium và kết nối với các nhà sản xuất. Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đã hạn chế đáng kể nguồn cung lithium của họ. Vì vậy, châu Âu nên bắt đầu tập trung vào sản phẩm pin cho riêng mình”, Martino nói.

Theo Zing