1 tháng hè cũng cứu ngành du lịch

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của người dân thay đổi. Tại Hội nghị bàn Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 chiều 21/5, ông Trần Trọng Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), chỉ ra 5 xu hướng: nhu cầu đi du lịch trở lại; ưu tiên về an toàn, có ưu đãi giảm giá; thích du lịch biển và du lịch thiên nhiên; tour ngắn ngày, đi gần hơn theo nhóm nhỏ và gia đình; khách muốn đặt dịch vụ trực tiếp từ nhà cung cấp và qua nền tảng số.

Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần mổ xẻ, nghiên cứu kỹ những xu hướng trên để có giải pháp, bởi đó tuy chỉ là những thay đổi ngắn hạn nhưng chứa đựng những yếu tố cơ bản để phát triển du lịch trong dài hạn.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng của thời “bình thường mới” để người dân ra quyết định đi du lịch hay không, đó là sự an toàn.

{keywords}
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: 1 tháng cũng tạo điều kiện giúp ngành du lịch hồi phục

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, chỉ ra rằng du lịch hiện nay chủ yếu là cá nhân, đi theo nhóm hoặc gia đình, ít theo đoàn công ty hay du lịch MICE do tâm lý e ngại dịch bệnh. Thậm chí, bản thân những người làm du lịch cũng còn tâm lý e ngại về du lịch theo đoàn. Do đó, cần truyền thông mạnh mẽ để du khách vượt qua tâm lý lo sợ này.

Vì an toàn là quan trọng nhất nên nên ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhấn mạnh, có an toàn thì người dân mới tự tin đi du lịch.

Hơn nữa, ông Võ Anh Tài cho rằng thời gian du lịch trong mùa hè không còn nhiều, nếu không nói là rất ngắn bởi giờ đã gần hết tháng 5. “Cần có biện pháp kích cầu thật mạnh, tập trung vào mấy tháng hè hoặc mạnh dạn kiến nghị kéo dài thời gian kích cầu, không chỉ về giá mà là các biện pháp thúc đẩy du lịch nội địa” ông nói.

Một đề xuất được nhiều chuyên gia, DN du lịch đồng tình là kiến nghị cho học sinh nghỉ hè đến hết tháng 9. TS. Trần Đình Thiên đặc biệt ủng hộ đề xuất này và mong rằng Bộ VH-TT&DL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Bộ Giáo dục đào tạo cho học sinh nghỉ hè thêm một tháng, bởi một tháng không chỉ giúp phục hồi riêng ngành du lịch mà cho cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, còn kiến nghị tặng 1 triệu đồng cho mỗi người dân đi du lịch.

Ông Kỳ lý giải, bản chất là Nhà nước không phải bỏ tiền ra phát cho dân, mà khi khách đến công ty lữ hành mua dịch vụ sẽ được giảm 1 triệu. Khi đó, khách sẽ bỏ thêm khoảng 3 triệu đồng, du lịch có nguồn thu. Cuối năm, doanh nghiệp nộp thuế thì Nhà nước trừ lại số tiền 1 triệu. “Với những giải pháp trên, tôi tin rằng đến cuối năm Việt Nam có 35-40 triệu khách nội địa”, ông Kỳ nhận định.

Chỉ chờ phát lệnh kích cầu

Theo bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group, nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó phục hồi như kỳ vọng.

Bà Nguyện cho rằng, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu. Địa phương - điểm đến - các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận, ngành du lịch sống được là dựa vào khách. Dịch Covid-19 khiến ông chứng kiến cảnh khách sạn đóng cửa im lìm, bãi biển điểm tham quan không một bóng người. Do đó, các giải pháp cần đẩy nhanh, quyết liệt hàng ngày, làm sao để du lịch sống lại, hoạt động trở lại.

{keywords}
Kích cầu giảm giá du lịch nhưng đảm bảo chất lượng, không phá giá

Du lịch không thể hồi phụ nếu thiếu hàng không. Các DN cần chọn điểm đến kích cầu là những nơi hàng không có đường bay đến. Hiện các hãng bay trong nước đều khôi phục và tăng cường tất cả các chặng bay nội địa và trong tư thế sẵn sàng với đường bay quốc tế.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định, việc kích cầu du lịch chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Các hãng hàng không, du lịch lữ hành đều đói khách nên chỉ chờ cơ quan chức năng phát lệnh, chờ Bộ VH-TT&DL ra chính sách chung điều phối, dẫn dắt thì chương trình sẽ vận hành hiệu quả.

Chỉ từ 8/5 khi khôi phục mạng bay nội địa, lượng khách đã có sự thay đổi tích cực, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không VietJet, chia sẻ. Ông Phương hy vọng tháng 6 tình hình còn tốt hơn nữa.

Hiện tại, tất cả hãng hàng không đều tung ra những chương trình ưu đãi giảm giá sâu, những gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, ông Trương Phương Thành, góp ý, kích cầu du lịch nội địa các hãng giảm giá vé nhưng cần khống chế ở mức độ nào đó để đảm bảo cho doanh nghiệp sống được.

Đó cũng là điều mà bà Trần Thị Nguyện băn khoăn khi kích cầu du lịch nội địa “mỗi ông làm một kiểu, ai cũng muốn giữ miếng của mình”. Hay, ông Vũ Thế Bình chỉ ra rằng, một số địa phương không chịu giảm giá vé tham quan do lo sợ mất nguồn thu.

Do vậy, các doanh nghiệp rất cần Nhà nước cùng đồng hành, từ những việc đơn giản như yêu cầu địa phương giảm giá vé vào các khu du lịch, điểm tham quan, di tích lịch sử,… và thống nhất ở một mức từ 30-50%. Ngoài ra, hiệp hội du lịch các địa phương ký cam kết giảm giá; cùng xúc tiến quảng bá chung,...

Ngoài ra, có một lượng khách lớn, lên tới 10 triệu lượt năm 2019, đi du lịch nước ngoài. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, nếu thu hút được số khách này đi du lịch trong nước là một thành công lớn.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là sản phẩm du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, nhàm chán, các sản phẩm là bản sao của nhau... Do vậy, có ý kiến cho rằng du lịch Việt cần thêm nhiều áo mới. Đây chính là thời điểm để các DN, đơn vị du lịch tung ra những sản phẩm mới hấp dẫn, kéo khách đi du lịch trong nước, như các tour thiền định, tour "du lịch... cách ly hậu Covid-19", du lịch khám phá thiên nhiên,... Vinpearl tháng 6 tới cũng đưa vào hoạt động Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam tại Phú Quốc, hay chương trình thực cảnh đa phương tiện và tàu lặn vô cực ngắm san hô ở Nha Trang.

Nói như ông Vũ Thế Bình, cần triển khai các giải pháp kích cầu làm sao trong hai tháng khôi phục được hoạt động du lịch nội địa, sau bốn tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế.

TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên phải đi đầu, nên làm đầu tiên và đáng được làm đầu tiên để phục hồi trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để làm mới ngành du lịch, tức là không chỉ giải cứu mà mà tạo ra nền du lịch Việt Nam mới hoàn toàn.

Ngọc Hà