Cụ thể, trong công văn gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, thời gian gần đây các địa phương cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Trong khi đó, tại Việt Nam bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang từng bước được kiểm soát tốt, số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Còn tại các nước xung quanh Việt Nam, bệnh dịch này đang xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới.

Để ngăn chặn bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn.

{keywords}
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn giữa Việt Nam với các nước láng giềng

Theo đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cần chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Trước đó, tại buổi làm việc với doanh nghiệp cũng như các hộ dân chăn nuôi lợn tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các tuyệt đối không được xuất lợn sang các nước láng giềng vì chưa có ký kết xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời, cảnh báo các nước xung quanh Việt Nam đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên cần kiểm soạt chặt biên giới để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại ở nước ta.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), sau 8 tháng phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, Việt Nam đã phải tiêu hủy hơn 5,6 triệu con lợn, sản lượng thịt giảm 8,3%. Bệnh dịch này đã lây lan ra khắp 63 tỉnh thành, song những tháng gần đây dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, có chiều hướng suy giảm. Do đó, Bộ NN-PTNT đang thúc đẩy mạnh việc tái đàn tại khu vực an toàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm.

Bảo Phương