Nghe thật khó tin nhưng trong tự nhiên hoàn toàn có cây "cành vàng lá ngọc" và loài cây bạch đàn này cũng không khó thấy ở Việt Nam.

Loài cây kì lạ "mọc" vàng từ lá

Cây bạch đàn, hay còn gọi là khuynh diệp, là một loài cây quen thuộc. Chúng là chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương. Loài cây này có xuất xứ đầu tiên từ Úc và đến nay có hơn 700 loài bạch đàn tại nhiều nơi trên thế giới.

{keywords}

Cây bạch đàn không phải là loại cây mọc tự nhiên tại Việt Nam. Loài này xuất xứ từ nước Úc được dẫn giống bằng hạt đem về trồng ở đất nước ta vào khoảng thập niên 1950 và cho thấy một số loài rất thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam. Gỗ bạch đàn thường được trồng làm cây công nghiệp để làm cột chống trong xây dựng và làm bột giấy hay ván dăm bào.

Ở Việt Nam có khoảng 10 loại bạch đàn. Bạch đàn đỏ thích hợp vùng đồng bằng. Bạch đàn trắng thường được trồng ở các vùng gần biển. Bạch đàn lá nhỏ có nhiều ở các vùng đồi Thừa Thiên Huế. Bạch đàn liễu có ở các vùng cao miền Bắc Việt Nam. Bạch đàn chanh trồng ở những vùng thấp và lá hay được thu gom làm tinh dầu. Bạch đàn lá bầu có ở các vùng cao nguyên. Bạch đàn to lại chỉ hợp vùng đất phù sa. Trong khi bạch đàn ướt tương thích với vùng cao nguyên Ðà Lạt thì bạch đàn mai đen thích hợp vùng cao như Lâm Đồng.

{keywords}

Vào năm 2013, giới khoa học ở Úc phát hiện ra một sự thật gây sốc của loài cây bạch đàn là trên lá cây có chứa vàng.

Tại sao vàng có trên lá bạch đàn?

Tạp chí khoa học Nature Communications đã đăng tải báo cáo của một nhóm nghiên cứu do Melvyn Lintern của Cơ quan Khoa học Trái đất và đánh giá tài nguyên CSIRO (Úc). Theo đó, các nhà khoa học đã giải quyết một tranh chấp kéo dài nhiều năm qua rằng liệu các hạt vàng nhìn thấy trong lá bạch đàn chỉ đơn thuần là gió thổi đến hay là dấu vết quặng được chuyển lên từ rễ.

Các nhà khoa học đã so sánh các lá cây bạch đàn mọc gần một mỏ vàng phía Tây Úc, với những cây mọc cách đó 800m. Đồng thời, họ cũng thử trồng bạch đàn trong đất có chứa tinh thể vàng. Và kết quả đưa ra đúng như dự đoán, bên trong lá cây có chứa tinh thể vàng với kích cỡ khoảng 8 micromet.

Rễ cây bạch đàn có thể lan sâu đến 40 mét dưới lòng đất để hút nước. Nếu chạm đến nguồn nước ngầm gần các mỏ vàng, chúng sẽ hút cả tinh thể vàng lên. Tuy nhiên, vàng là kim loại độc hại đối với thực vật nên bạch đàn phát sinh cơ chế tự đào thải. Các tinh thể vàng được dồn lên lá cây để giảm thiểu phản ứng sinh hoá độc hại.

{keywords}

Tại Việt Nam, các nhà khoa học chưa từng bao giờ thử xét nghiệm tinh thể kim loại trong các bộ phận của cây như rễ, thân, lá,...Tuy nhiên, với cơ chế của mình, bạch đàn tại nước ta cũng có khả năng chứa nhiều kim loại trong lòng đất hút lên.

Ích lợi của việc tìm vàng trong lá bạch đàn

Số lượng vàng trong lá bạch đàn có nhưng không nhiều. Tỉ lệ vàng có trong lá cây cũng chỉ khoảng... 46 phần tỉ, tức khoảng 0,000005% theo trọng lượng của lá. Tính ra, nếu vặt hết lá của 500 cây bạch đàn trồng trên mỏ vàng, số lượng thu được sau đó chỉ đủ để đánh một chiếc nhẫn nhỏ. Do đó, bạn đừng mong có thể làm giàu từ bạch đàn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết thay vì đào thăm dò, các nhà khai thác giờ đây có thể phát hiện các mỏ vàng ngầm nhờ bạch đàn. Ngoài ra, thông qua kỹ thuật chụp ảnh X-quang, các nhà khoa học cũng thấy được sự hiện diện của các kim loại khác trong lá, như kẽm và đồng... mở ra tiềm năng mới trong công nghệ phát hiện mỏ kim loại trong tương lai.

Thay vì phải khoan trên diện rộng, bạch đàn - nhờ cơ chế của mình, sẽ tiết lộ liệu rằng có hay không kim loại ẩn dưới lòng đất. Điều này hoàn toàn khả thi khi loài bạch đàn rất mau lớn - trồng trong vòng 5, 6 năm thì có chiều cao trên 7m và đường kính thân cây khoảng 9-10 cm.

Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này cũng cần chú ý do bạch đàn hấp thụ nhiều nước và dưỡng chất trong đất nên nếu trồng tập trung sẽ làm khô cằn và nghèo nàn đất đai.

(Theo Khám Phá)