Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/6 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

So với tháng 12 năm trước, CPI tăng 2,35%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2016 là dưới 5%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,72%.

Có tới 10/11 nhóm hàng tăng giá trong tháng 6, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 2,99%.

Nguyên nhân chính là do giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 880 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước, làm tăng CPI chung khoảng 0,27%.

{keywords} 

Dù mức tăng của tháng 6 là khá cao, song theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%; Bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê lưu ýtừ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu,...

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết, giá dịch vụ y tế dự kiến tăng vào đầu tháng 7 tới. Nhưng Bộ Y tế đã có thông báo sẽ điều chỉnh theo từng đợt vào các tháng 8, tháng 10 và tháng 12, lần lượt từng tỉnh để tránh tăng dồn dập.

Ngoài ra, từ đầu năm giá các dịch vụ giáo dục từ tại nhiều địa phương đã có sự điều chỉnh ở các cấp học. Đến mùa khai giảng vào tháng 9 tới, giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục được điều chỉnh, gây áp lực lên chỉ số giá 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu lại đang tăng trở lại. Trong quý I giá xăng dầu 4 lần giảm. Thế nhưng từ tháng 4 đến nay, giá xăng dầu đã 6 lần phải điều chỉnh tăng, gây sức ép lên lạm phát.

Việc “kìm” giá các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước kiểm soát giá, theo bà Đỗ Thị Ngọc là cần thiết, không phải điều hành kiểu “kìm nén” mà là “kiểm soát” mức tăng giá của các mặt hàng nhà nước quản lý giá, giảm tác động tiêu cực lên lạm phát.

Bài học của năm 2011 vẫn còn nguyên giá trị. Bà Đỗ Thị Ngọc chia sẻ: Vào năm 2011, chúng ta điều chỉnh ồ ạt giá các mặt hàng, không cần quan tâm tác động đến CPI thế nào. Điều này khiến CPI năm đó tăng trên 2 con số. Từ đó, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm là không điều chỉnh một cách ồ ạt giá các mặt hàng, dịch vụ. Bởi vì rủi ro rất lớn đến lạm phát.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Hà Duy