Chưa kịp vui mừng vì lứa lợn Vietgap đạt chất lượng đến tuổi xuất chuồng, gần 1 tuần nay, anh Nguyễn Bá Nam như ngồi trên đống lửa vì tin đồn thất thiệt xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại khu vực chăn nuôi Mỹ Đức, Hà Nội. Mặc dù công tác đảm bảo an toàn dịch của trang trại hơn 1000 đầu lợn của anh đã được chính cơ quan thú y chứng nhận an toàn dịch. Vậy nhưng, tin đồn vẫn khiến 5 tấn lợn xuất bán lần này của anh bị lỗ gần 20 triệu đồng.

{keywords}
Người chăn nuôi lao đao vì tin đồn dịch tả lợn Châu Phi

Anh Nguyễn Bá Nam, thành viên HTX chăn nuôi Mỹ Hào, Mỹ Đức, Hà Nội cho biết: "Chỉ trong 3 ngày trước thương lái còn trả tôi 48 đến 49 đồng/ kg. Giờ tụt luôn xuống 44 đồng thế là cứ 1 tạ lợn tôi mất luôn 4 đến 5 triệu đồng. Lợn tôi nuôi theo Vietgap được chứng nhận an toàn đầy đủ. Thế mà tin đồn không hiểu từ đâu ra".

{keywords}
 

 

{keywords}

Việc khử trùng vệ sinh được người dân làm rất tốt.

Còn ông Bùi Đức Đồng, Trạm trưởng thú y xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội khẳng định là trên địa bàn xã không hề có dịch. "Chúng tôi đến kiểm tra các hộ lấy mẫu nhưng đều tốt. Ở đây toàn xã có trên 1 triệu đầu lợn quy mô tập trung. Từ khi có thông báo dịch trước tết, chúng tôi đã nhanh chóng huy động công tác đảm bảo, khử trùng vệ sinh chủ động. Từ trước đến nay, các ổ dịch lớn có ở đâu nhưng riêng đia bàn chúng tôi thì không xuất hiện", ông Đồng cho biết.

{keywords}
 

Trao đổi cùng Chi cục chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đại diện cơ quan này khẳng định: ngay khi có tin đồn Hà Nội xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan thú y đã nhanh chóng đi lấy mẫu tại 8 địa điểm vùng tập trung chăn nuôi trọng điểm của thành phố và các khu giết mổ lớn. Tuy nhiên 100% các mẫu phẩm ngày hôm nay báo về đều có kết quả âm tính với dịch bệnh nguy hiểm này.

Hà Nội là vùng chăn nuôi với tổng đàn lợn đạt trên 1,8 triệu con, đứng top đầu trong các vùng chăn nuôi lợn của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là địa điểm giao dịch, giết mổ, mua bán lợn trọng điểm của khu vực Miền Bắc. Vì thế nguy cơ lây nhiễm từ bệnh dịch nguy hiểm tả lợn Châu Phi là rất cao.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, các trang trại chăn nuôi lớn nên hạn chế vào đàn thời điểm này tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, khi đàn lợn có dấu hiệu dịch bệnh, các hộ chăn nuôi phải nhanh chóng thông báo đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tiêu hủy với mức giá 38 nghìn đồng/kg lợn. Người chăn nuôi cũng không nên bán tống bán tháo để tránh tình trạng thương lái ép giá ngược trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch tả lợn Châu Phi như hiện nay.  

 

Phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng

 

Sau Hưng Yên và Thái Bình, Hải Phòng là địa phương tiếp theo phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã lấy 5 mẫu bệnh phẩm lợn tại trại chăn nuôi lợn trang trại chăn nuôi hộ ông Vũ Văn Đạt ở thôn 12, xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) để xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 22.2, kết quả xét nghiệm cho thấy có 2/5 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus tả lợn châu Phi.

Hiện tại, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đang phối hợp với các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng tiến hành tổ chức khoanh vùng xác minh, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện tại thành phố này.

Trước đó, ngày 19/2, tại cuộc họp báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục này cũng cho biết ở Việt Nam đã phát hiện hai tỉnh có dịch tả lợn châu Phi là Hưng Yên và Thái Bình. Tổng đàn lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu huỷ là 257 con.

Lãnh đạo Cục Thú Y cũng khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, tuy nhiên lợn mắc bệnh sẽ chết 100%. Đặc biệt, bệnh dịch này có nguy cơ lây lan rất nhanh nên khi phát hiện lợn có triệu chứng như sốt cao từ 40-42 độ C, đi lại lừ đừ, chết một vài con trong đàn… thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y vùng để kiểm tra xử lý. 

B.H


Truyền hình VietNamNet