Sự xuất hiện của các dòng máy bay thân hẹp cỡ lớn mới đến từ Trung Quốc, Nga và Canada đang đặt hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay là Boeing và Airbus đứng trước sức ép cạnh tranh bất ngờ.

Airbus A320, Boeing 737-800 bất ngờ có đối thủ

Theo Wall Street Journal, trong suốt gần hai thập kỷ qua, hai hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) và Airbus của châu Âu do Pháp đứng đầu đã thâu tóm gần như toàn bộ thị trường toàn cầu đối với các dòng máy bay thân hẹp cỡ lớn (có một lối đi duy nhất trong khoang hành khách và dãy sáu ghế ngồi ngang nhau) với hai dòng máy bay tiêu biểu nhất A320 (Airbus) và 737-800 (Boeing).

Song thế độc quyền lưỡng cực này có thể thay đổi khi ba đối thủ cạnh tranh gồm hãng vận tải và hàng không đa quốc gia Bombardier (Canada), tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac), tập đoàn Irkut (Nga) lần lượt giới thiệu các dòng máy bay thân hẹp cỡ lớn CS300, C919 và MC-21.

{keywords}
Ảnh:

Máy bay CS300 của hãng Bombardier. Ảnh: World Airline News

Đơn đặt hàng các dòng máy bay này vẫn còn ít, trong khi đó, còn nhiều năm nữa Comac và Irkut mới chính thức giao những máy bay đầu tiên. Vậy nên, vẫn chưa rõ chúng sẽ được thị trường đón nhận ở mức nào.

Boeing và Airbus đang bán rất nhiều máy bay thân hẹp và đang thử nghiệm nhiều mẫu máy bay thân hẹp cỡ lớn. Tuy vậy, nếu một trong những máy bay thân hẹp mới nói trên được thị trường đón nhận, nó có thể đe dọa một trong những lực vực kinh doanh béo bở nhất của Boeing và Airbus.

“Tôi chẳng ngại mua máy bay của Trung Quốc hay Nga nếu đó là một mẫu máy bay hiệu quả ”, Akbar Al Baker, giám đốc điều hành của hãng hàng không Qatar Airways, một trong những đơn vị mua máy bay nhiều nhất thế giới, nói.

Sự cạnh tranh này khiến hai gã khổng lồ Boeing và Airbus bất ngờ. Nó gia tăng áp lực cho hai hãng sản xuất máy bay này trong bối cảnh đối mặt với nhu cầu đang suy giảm ở một số thị trường. Máy bay cỡ lớn bay chặng dài của họ không bán chạy như máy bay thân hẹp. Cả Boeing lẫn Airbus gần đây phải xoay sở với các khoản chi phí phát sinh khổng lồ.

Trong nhiều năm qua, thị trường máy bay thân hẹp là miếng bánh ngon của ngành công nghiệp sản xuất máy bay. Các hãng hàng không lớn và các hàng không giá rẻ đều yêu thích máy bay bay thân hẹp vì kích cỡ vừa phải và tính tiết kiệm nhiên liệu của nó.

Tại cuộc triển lãm hàng không Paris vào tháng trước, Boeing đã giới thiệu phiên bản lớn nhất và mới nhất của dòng máy bay thân hẹp 737 Max với 230 ghế ngồi. Boeing đã nhận được hơn 3.600 đơn hàng đặt cho dòng máy bay này. Trong khi đó, Airbus cũng đã bán hơn 5.000 máy bay dòng A320, đối thủ của dòng máy bay 737 Max.

Những đơn hàng đầu tiên

Comac đã bay thử nghiệm chiếc máy bay thân hẹp C919 có sức chứa 168 hành khách lần đầu tiên vào đầu tháng 5. Cho đến nay, Comac đã nhận được 500 đơn hàng, chủ yếu từ các hãng máy bay trong nước. Comac dự kiến thực hiện đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2020.

Máy bay MC-21 của tập đoàn Irkut, có thể chở 211 hành khách, cũng đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 5-2017. Tập đoàn Irkut đã nhận được 175 đơn đặt hàng cho mẫu máy bay này và dự kiến giao chiếc đầu tiên vào năm 2019.

Hãng Bombardier của Canada sẽ bắt đầu giao chiếc máy bay CS300 vào tháng 11-2017. Máy bay CS300 thuộc dòng CSeries và có 160 ghế ngồi. Nó sẽ cạnh tranh với các dòng máy bay thân hẹp có kích cỡ nhỏ nhất của Boeing và Airbus. Hai hãng hàng không ở châu Âu gồm Deutsche Lufthansa (Đức) và Air Baltic (Latvia) đang sử dụng máy bay CS300. Cho đến nay, Bombardier có 237 đơn hàng cho máy bay CS300.

Lãnh đạo hai hàng hàng không Deutsche Lufthansa và Air Baltic khen ngợi CS300 tiết kiệm năng nhiên liệu và ít gây tiếng ồn. Ông Fred Cromer, chủ tịch phụ trách mảng máy bay thương mại của Bombardier cho biết mức độ quan tâm của khách hàng đối với máy bay CS300 tiếp tục tăng.

Nhiều khách hàng không tin rằng trong tương lai gần, những tân binh của dòng máy bay thân hẹp có thể cung cấp các linh kiện rời và các dịch vụ sửa chữa cần thiết ở quy mô toàn cầu.

Trong khi đó các hãng sản xuất máy bay khác chẳng hạn như Embraer (Brazil) chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với hai gã khổng lồ Boeing và Airbus và vẫn trung thành với các loại máy bay chở khách cỡ nhỏ.

Mối đe dọa tiềm tàng Comac

{keywords}

Các kỹ sư Trung Quốc đang làm việc trên một chiếc máy bay C919 được lắp ráp ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tập đoàn sản xuất máy bay thương mại Comac của Trung Quốc có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Boeing và Airbus. Tham vọng của Comac, một công ty nhà nước, được nâng đỡ bởi trọng tâm dài hạn và nguồn tài chính dồi dào của chính phủ Trung Quốc cũng như thị trường nội địa đủ lớn để giúp hấp thụ tốt nguồn cung máy bay nội địa.

“Liệu Comac sẽ là mối đe dọa đối với Airbus và Boeing trong 10 năm tới? Có lẽ là không. Nhưng trong 20 năm tới, tôi nghĩ họ sẽ là một trong ba hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới”, John Leahy, giám đốc kinh doanh của Airbus, nhận định.

Cũng giống như Boeing và Airbus, những tân binh của dòng máy bay thân hẹp gom linh kiện từ các nhà cung cấp khắp mơi trên thế giới để sản xuất máy bay của riêng họ. Comac đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp linh kiện Mỹ và châu Âu. Động cơ của máy bay C919 được sản xuất bởi CFM, một liên doanh giữa hãng General Electric (Mỹ) và hãng sản xuất động cơ máy bay Safran (Pháp). Các hãng công nghệ hàng không của Mỹ như Honeywell International, Rockwell Collins đang là đối tác cung cấp nhiều hệ thống công nghệ và linh kiện cho Comac.

Máy bay C919 vẫn xếp sau các máy bay mới của Boeing và Airbus về hiệu suất hoạt động. Nó có tầm bay ngắn hơn và tiết kiệm nhiên liệu kém hơn. Song các chuyên gia ngành công nghiệp hàng không cho rằng các điểm yếu này sẽ sớm được khắc phục.

“Trung Quốc sẽ tác động mạnh mẽ đến thế độc quyền lưỡng cực của Boeing và Airbus với dòng máy bay thân hẹp tiếp theo chứ không phải chiếc máy bay C919. Họ sẽ học hỏi dần từ máy bay C919”, Jerome Rein, đối tác của hãng tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ), nhận định.

Dồn ép đối thủ bằng kiện tụng

Boeing đã chuyển một số công đoạn hoàn thiện máy bay sang Trung Quốc để duy trì sự tiếp cận đối với thị trường đang phát triển nhanh chóng này. Trong khi đó, Airbus đã lắp ráp một số máy bay thân hẹp ở thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

“Đội ngũ của chúng tôi thức dậy mỗi sáng với nhận thức rằng sự cạnh tranh đang xuất hiện và phát triển nhanh chóng, chúng tôi phải đi trước nó”, Kevin McAllister, giám đốc điều hành mảng máy thương mại của Boeing, nói.

Đối mặt với sự canh tranh gay gắt, Boeing đã dồn ép các đối thủ thông qua các vụ kiện. Cách đây 13 năm, chính phủ Mỹ đã thay mặt cho Boeing kiện Liên minh châu Âu (EU) ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì cho rằng EU dành cho Airbus các khoản vay tài chính ưu đãi, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Sau đó, EU cũng kiện ngược chính phủ Mỹ với cáo buộc tương tự.

Năm nay, Boeing cũng kiện Bombardier ra Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, cáo buộc hãng này bán dòng máy bay nhỏ 100 chỗ ngồi CS100 cho hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) dưới giá thành.

Bombardier bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Boeing không có tư cách để phản đối thương vụ trên vì Boeing không có dòng sản phẩm cạnh tranh tương tự.

(Theo TBKTSG Online)