Chỉ cần đến nghe, nói chuyện khoảng 2-3 tiếng là có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng nên chị em rủ nhau tham gia. Có người ban đầu đi thử, đi chơi rồi bỗng thành nghiện. Phong trào săn hội thảo kiếm tiền, quà của các mẹ bỉm sữa gần đây nở rộ trên facebook.

Tham gia chơi lại ghiền thật!

Khi con còn nhỏ, chị Thúy Hằng (33 tuổi, TP.HCM) ở nhà buôn bán quần áo trên mạng. Một lần, tình cờ thấy bạn trên Facebook đang tìm người tham gia hội thảo, với chủ đề mua sắm tại các trung tâm thương mại, nên chị đăng ký thử. Buổi hội thảo diễn ra khá vui vẻ, với khoảng 10 chị em tham gia, cùng trao đổi về thói quen mua sắm. Kết thúc chương trình, mỗi người được tặng một phiếu mua hàng tại siêu thị trị giá 200.000 đồng.

Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, lại không tốn nhiều công sức nên từ đó, chị rất siêng lên mạng tìm kiếm thông tin về các buổi hội thảo, buổi nào thấy phù hợp thì chị đăng ký tham gia.

{keywords}
Dự hội thảo về nghiên cứu thị trường, nhiều người có thêm nguồn thu nhập (ảnh minh họa)

Hiện hầu hết thông tin hội thảo được phía tuyển dụng đăng trên các hội/nhóm buôn bán, trao đổi trên Facebook, như Hội Thanh lý đồ mẹ và bé, Hội Buôn bán đồ mẹ và bé, Hội mê quà Facebook,...

Chị Hằng hồ hởi khoe trên trang cá nhân: “Chỉ một tuần, mình đã kiếm được 700.000 đồng và quà, đơn giản là đi dự mấy hội thảo”. Thậm chí, chị còn giới thiệu cho bạn bè cùng nhau kiếm tiền và được hưởng ứng nhiệt tình.

Do là thành viên kỳ cựu trên các hội nhóm mẹ và bé nên chị tìm thấy rất nhiều thông tin mời dự hội thảo. Chị chia sẻ, chỉ cần comment (bình luận) hoặc nhắn trực tiếp cho người đăng tuyển, nếu phù hợp yêu cầu là có thể được chọn. Việc xác minh bước đầu khá đơn giản, chỉ vài cuộc điện thoại xác nhận tên tuổi, địa chỉ là xong. Sau đó, nhân viên của đơn vị tổ chức sẽ gọi điện thêm một lần nữa, có công ty còn trực tiếp đến nhà xác minh.

Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, đây là hình thức nghiên cứu thị trường do một số công ty chuyên về lĩnh vực này tổ chức. Thông thường, họ sẽ nhận đặt hàng từ doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu về một sản phẩm/dịch vụ hoặc thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nhiệm vụ của các công ty nghiên cứu thị trường là tìm kiếm những đối tượng phù hợp với yêu cầu của khách hàng để phỏng vấn, thu thập thông tin.

Do thời gian phỏng vấn thường rơi vào giờ hành chính nên không phải ai cũng có thể tham gia. Vì thế, các mẹ bỉm sữa đang trong giai đoạn nghỉ hậu sản hoặc ở nhà trông con là đối tượng phù hợp hơn cả. Nhóm này hiện cũng tham gia nhiệt tình nhất hiện nay.

Do có nhiều người dự 3-4 sự kiện trong một tuần nên để hạn chế, các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra một số yêu cầu, như “các ứng viên không được tham gia hội thảo của cùng một công ty trong vòng 1 năm”. Vì vậy, việc săn hội thảo cũng không phải dễ dàng.

Cuộc chơi lắm chiêu trò

Để đáp ứng yêu cầu của các công ty nghiên cứu thị trường, nhân viên tuyển dụng (thường là cộng tác viên) đôi khi “mớm cung” cho các đáp viên. Chị Mai Trinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: “Tôi đăng ký tham gia hội thảo về bột giặt của hãng này nhưng ở nhà lại xài loại bột giặt của hãng khác. Lúc đó, bạn tuyển dụng gợi ý tôi ra ngoài mua một bịch bột giặt cùng hãng để khi có nhân viên chính thức của công ty xuống kiểm tra thì có để đối chiếu”.

{keywords}

Các thông tin mời dự hội thảo đang rất được săn đón

Chị Thu Huyền (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết: “Do người tư vấn lúc đầu không nói rõ ràng nên khi đến dự hội thảo, tôi cứ khai thật là nhà mình có hai con 13, 14 tuổi. Ai ngờ, chương trình đó đòi hỏi con phải dưới 12 tuổi. Thế là, chị tư vấn gọi tôi ra ngoài để “tư vấn” lại trước khi vào phỏng vấn. Tôi đành phải khai gian tuổi con xuống còn 9 tuổi”.

Đây là việc xảy ra thường xuyên, bởi theo các cộng tác viên tuyển dụng, rất ít khi gặp được đáp viên đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tùy theo dự án và độ khó của yêu cầu mà phía tổ chức sẽ gửi chút tiền “cảm ơn” cho các đáp viên, thông thường khoảng 200.000-300.000 đồng.

Một số hội thảo dành cho đối tượng có thu nhập cao, như các hội thảo về xe hơi, mỹ phẩm cao cấp, du lịch nước ngoài,... thì các đáp viên được tặng từ 500.000-1 triệu đồng (đều là phiếu mua hàng siêu thị hoặc quà, không có tiền mặt).

Thoạt nghe việc tham gia hội thảo để kiếm tiền khá đơn giản và thú vị nhưng không phải ai cũng qua được. Trong số đó, công ty N. được đánh giá là khó khăn nhất. 10 người được chọn lên văn phòng công ty nói chuyện trong 1 tiếng đồng hồ, kết quả, chỉ 8 người vào vòng trong, hai người bị loại. Tỷ lệ này, theo các tuyển dụng viên công ty N., là rất bình thường.

Chị Quyên, một trong hai người bị loại ở vòng 1, kể lại: “Công ty vẫn gởi cho mình phiếu mua hàng trị giá 150.000 đồng và cho biết, ứng viên bị loại vẫn có thể tham gia vào các khảo sát khác phù hợp hơn”. Có thể do lần đầu tham gia, dù đã được tuyển dụng viên “dặn dò” khá kỹ trước khi lên văn phòng công ty, nhưng do run quá mà chị Quyên cứ có gì nói nấy, vậy là trượt.

Hầu hết đáp viên sau khi tham dự hội thảo đều kết bạn (add friend) với các tuyển dụng viên trên mạng xã hội để tiện theo dõi thông tin mời đăng ký hội thảo tiếp theo.

Tuy nhiên, thường tuyển dụng viên đều muốn tuyển người mới vì các bạn chỉ cộng tác cho vài công ty nghiên cứu thị trường (mà các công ty này thì yêu cầu không trùng lắp người tham gia).

Vì thế, dù có nhiệt tình săn sự kiện nhưng sau một thời gian ngắn, nhiều lắm các mẹ bỉm sửa cũng chỉ dự được từ 5-7 hội thảo mỗi tháng, kiếm khoảng 1,5-2 triệu đồng. Vì thế, đây chỉ được xem là một cuộc chơi ngắn ngày đầy thú vị mà thôi.

Thanh Uyên