Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính từ đầu tháng 12/2018 đến ngày nay, dịch đã xảy ra 48 ổ dịch lở mồm long mong (LMLM) tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Yên Bái,… làm cho gần 2.400 con gia súc bị mắc bệnh, trong đó chủ yếu là lợn thịt do chưa tim phòng vắc xin LMLM.

Tại buổi họp báo về dịch bệnh LMLM vào chiều ngày 2/1, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM, Cục này đã phải thành lập ngay 10 Đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở nhiều địa phương.

{keywords}
Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn công tác đi thực tế tại các địa phương trước diễn biến phức tạp về dịch LMLM

Với sự quyết liệu từ cấp bộ cho tới các địa phương, dịch bệnh LMLM ở các địa phương đã giảm rất nhiều, tình hình dịch bệnh LMLM ở các địa phương đang được kiểm soát tốt. Thành phố Hà Nội chỉ còn 4/16 ổ dịch chưa qua 21 ngày, Hòa Bình chỉ còn 2/10 ổ dịch chưa qua 21 ngày..., ông Đông chia sẻ.

Song, qua các chuyến “thị sát”, Cục Thú y chỉ ra 8 nguyên nhân cơ bản khiến dịch LMLN xảy ra tràn lan tại các địa phương. Đơn cử, hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định; Mầm bệnh vi rút LMLM lưu hành nhiều trên đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn lợn thịt (chỉ tiêm phòng đàn lợn nái, đực giống), khi gặp thời tiết bất lợi rét đậm, rét hại, mưa nhiều,… sẽ phát sinh dịch bệnh;

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm;

Ngoài ra, do người chăn nuôi tự điều trị gia súc bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh sang các đàn gia súc khác chưa có dịch bệnh. Bên cạnh đó, họ cũng không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, cứ thế vứt xác lợn chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Một nguyên nhân nữa là việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng...

Lãnh đạo Cục Thú y cũng nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán, thịt lợn là mặt hàng được vận chuyển nhiều nên nguy cơ lây lan dịch bệnh LMLM là rất cao. Theo đó, với các địa phương đã phát hiện có ổ dịch cần xử lý dứt điểm bằng cách đem đi tiêu hủy ngay khi có triệu chứng chứ không chờ có kết quả xét nghiệm. Song, trước khi đem đi tiêu hủy sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định dịch LMLM thuộc tuýp nào. Riêng các địa phương chưa phát hiện có dịch cũng cần tăng cường kiểm soát, tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn lợn trước đó chưa tiêm.

Lão đạo Cục này cũng thừa nhận, khi lợn mắc bệnh LMLM đem đi tiêu hủy chỉ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg, trong khi giá thịt lợn hơi trên thị trường hiện là 40.000-45.000 đồng/kg nên rất dễ xảy ra tình trạng người dân tự đem mẫu đi xét nghiệm và tự chữa trị, hoặc tuồn lợn ra bán ngoài thị trường.

Trong trường hợp người dân hay chính quyền địa phương phát hiện có dịch mà giấu thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật Thú y, ông Đông cho hay.

B.H