Nam Phi là cửa ngõ để gạo Việt Nam tiến vào châu Phi, đó là khẳng định của đại diện lãnh đạo hai bên Việt Nam và Nam Phi trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Thương mại gạo năm 2018, diễn ra tại Nam Phi từ 10-13/12.

Sau 30 năm, khách khó tính nhất thế giới đã hài lòng với thế mạnh Việt Nam

Tại buổi làm việc song phương giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Nam Phi, ông Madileke Ramushu, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Đối ngoại thị trường châu Á - Bộ Công Thương Nam Phi - cho biết, mặc dù đặc thù của người dân Nam Phi không ăn nhiều gạo, tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam những năm vừa qua đạt khoảng 5.000-7.000 tấn/năm, nhưng đây là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, rất thuận lợi để trở thành “cửa ngõ” để các DN Việt Nam xuất khẩu gạo sang các nước khác trong khu vực châu Phi, đặc biệt là các nước tại khu vực Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) với tổng dân số lên tới 650 triệu người.

Trưởng đoàn XTTM Việt Nam, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã trao đổi thông tin về các quy định liên quan đến thuế và thủ tục hải quan, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Nam Phi, các kênh phân phối gạo tại thị trường này cũng như khả năng trung chuyển để cung cấp gạo cho các thị trường khác trong khu vực.

{keywords}
Tiếp xúc B2B giữa các DN gạo Việt Nam và Nam Phi. (Ảnh: HS)

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Toản cho biết, một trong những mục tiêu của đoàn công tác lần này là đưa các DN Việt sang kết nối với các DN Nam Phi và các nước lân cận, gặp gỡ Cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp khảo sát thị trường, các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ lớn của châu Phi, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn, mẫu mã, bao bì đóng gói...

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ,... Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Đối với thị trường châu Phi, gạo Thái Lan hiện chiếm lĩnh thị phần phần cao, trong đó có các thị trường tiêu thụ gạo nhiều như: Bờ Biển Ngà, Angola, Ghana, Benin, Cameroon, Senegal. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nhận thức rõ, vì đi sau nên sự cạnh tranh tại khu vực này là khá lớn.

Bà Đào Hải Minh, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho hay, trước đây, do nhu cầu thực tế của thị trường châu Phi, một lượng gạo xuất khẩu sang đây của các DN nhỏ lẻ tự phát của Việt Nam chất lượng thấp. Để cạnh tranh giành lại thị phần khu vực châu Phi, gạo Việt Nam phải chứng minh thế mạnh vượt trội về chất lượng để nhắm tới phân khúc khách hàng cao cấp.

Ông Shepherd Mzinyathy, Chủ tịch Hội đồng DN Zimbabwe, nói rằng gạo là lương thực chính của Zimbabwe, mỗi năm nước này nhập khẩu gạo trị giá khoảng 105 triệu USD. Năm 2019, Zimbabwe có kế hoạch sẽ tổ chức một đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại cùng các Hiệp hội, DN của Zimbabwe sang Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế, trong đó có lĩnh vực lúa gạo.

Huyền Sâm - Thu Trà (từ Johannesburg, Nam Phi)