“Để bảo đảm cho sức khỏe, người dùng nên tạm ngưng sử dụng C2, Rồng Đỏ nghi nhiễm chì để chờ Bộ Y tế đưa ra kết quả cuối cùng” - LS Cường nói.

Những ngày qua, 'nghi án' trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ của Công ty URC Việt Nam nhiễm độc chì vượt ngưỡng cho phép đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Kết quả của Viện Kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia cho thấy nguyên liệu của URC chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng khiến những ai yêu thích C2 và Rồng Đỏ tỏ ra vô cùng lo lắng.

Trước những thông tin “rúng động” trên, nhiều người tiêu dùng đã tạm tẩy chay những sản phẩm này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.

Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã vào cuộc thanh tra toàn diện các sản phẩm của URC.

Bộ Y tế đã lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời ra quyết định thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm của công ty URC.

Trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi phỏng vấn Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội về những “mức án” mà công ty URC có thể phải gánh chịu nếu kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm C2, Rồng Đỏ đang lưu thông trên thị trường bị nhiễm độc chì vượt mức cho phép.

{keywords}

Theo LS Cường, người dùng nên tạm ngưng sử dụng sản phẩm, chờ kết luận cuối cùng. Ảnh: Internet.

Theo Ls Đặng Văn Cường, trong vụ việc trên, nếu Công ty URC sản xuất hai sản phẩm là C2 và Rồng Đỏ chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép thì sẽ bị xem xét, xử lý như sau:

- Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành:

Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, chứ chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (có hiệu lực đến 01/7/2016). Vì vậy, trong trường hợp này chỉ có thể xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính đối với URC nếu URC vi phạm. Cụ thể, khoản 3, Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định như sau:

“Điều 7. Vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm

3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

Hành vi sử dụng chì trong sản xuất nước uống là hành vi sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Cá nhân, tổ chức có hành vi này sẽ bị phạt hành chính là phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

- Thứ hai, quy định của bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016

Điều 3, Bộ luật hình sự 2015 bổ sung quy định mới về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội như sau:

“Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;

c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.

Trường hợp Công ty URC có hành vi sử dụng chì trong sản xuất nước uống thì có thể xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:

“Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Trong vụ việc nêu trên, mặc dù Bộ Y tế chưa đưa ra quyết định hay kết quả cuối cùng về sự an toàn của các sản phẩm C2, Rồng Đỏ, tuy nhiên, với kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm VSATTP Quốc Gia, lượng chì trong nguyên liệu vượt ngưỡng. Để bảo đảm cho sức khỏe của mình, người tiêu dùng nên tạm ngưng việc sử dụng các sản phẩm nói trên để chờ Bộ Y tế đưa ra kết quả cuối cùng về sự an toàn của sản phẩm C2, Rồng Đỏ” - LS Cường nhấn mạnh.

(Theo Vietq)