Loại ngô gây 'sốt' vì có màu đỏ sẫm, ăn sống được

Gần đây, tại một số siêu thị tại TP.HCM xuất hiện loại bắp đỏ (ngô đỏ), giá 25.000 đồng/trái, đắt gấp 5-7 lần các giống bắp hiện có trên thị trường.

Loại bắp này vỏ màu xanh có pha lẫn màu đỏ, ruột bắp màu đỏ thẫm, đẹp mắt. Ngoài đem nướng, hấp như giống bắp bình thường, bắp này có thể ăn sống, làm salad như các loại rau khác hay cũng có thể xay sinh tố.

{keywords}
Ngô Nữ Hoàng Đỏ có giống nhập từ Thái Lan.

Nhiều người đánh giá bắp này ngon, đáng đồng tiền nhưng không ít người tiêu dùng vẫn còn lo lắng liệu đây có phải là bắp biến đổi gen?

Lý giải về nguồn gốc bắp Nữ Hoàng Đỏ này, ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, bắp này có nguồn gốc tại Thái Lan. "Đây là giống bắp ngọt đầu tiên tại Việt Nam có thể ăn sống mà không cần phải trải qua chế biến. Bắp đạt chứng chỉ NON-GMO (không biến đổi gen), chỉ được lai tạo với công thức đơn giản, được chứng nhận VietGAP nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng”, ông Lý khẳng định.

Bắp cải kỳ lạ, luộc nguyên cây mỗi bữa ăn hết 20 bắp

Ở nước ta, bắp cải là loại rau được trồng quanh năm, có thể mua dễ dàng ở chợ hay ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Vào chính vụ (dịp Đông Xuân) giá bắp cải giá khá rẻ, chỉ ở mức 10.000 đồng/kg, thời điểm thu hoạch rộ giá giảm còn khoảng 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại bắp cải chính vụ được trồng ở miền Bắc có trọng lượng khá lớn, thường dao động từ 1-2 kg/cây.

Trong khi đó, bắp cải trái vụ có trọng lượng nhỏ hơn, khoảng 0,5-1 kg/cây, giá dao động khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.

{keywords}
Bắp cải tí hon được rất nhiều người chọn mua về chế biến các món ăn.

Tuy nhiên, gần đây, thay vì mua các loại bắp cải được trồng ở nước ta, nhiều người lại chuyển sang săn mua loại bắp bé tí hon với cái tên “mầm cải Pháp”. Loại bắp cải này được quảng cáo có xuất xứ từ Pháp, được đóng vào túi nilon với trọng lượng 400 gram/túi.

Theo người bán, bắp cải tí hon nhìn giống hệt bắp cải Việt Nam nhưng chúng lại có kích thước siêu nhỏ, chỉ như bằng quả mận hậu. Mặt hàng này được đóng túi cấp đông rồi chuyển từ Pháp về. Do đó, khách mua cần để tủ cấp đông vì hạn sử dụng là từ 3-6 tháng tuỳ loại.

Hiện giá bán bắp cải tí hon trên thị trường dao động từ 150.000-160.000 đồng/túi 400 gram, một số nơi bán combo 3 túi giá 450.000 đồng.

Củ sâm rừng tự nhiên ‘khủng’ ở Quảng Nam

Ngày 18/7, ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, một chủ doanh nghiệp kinh doanh sâm tại địa phương đang sở hữu củ sâm Ngọc Linh “khủng”.

{keywords}
Củ sâm Ngọc Linh "khủng".

Theo ông Quý, củ sâm rừng tự nhiên nặng 7,3 lạng, có tuổi đời ước chừng 35 năm và được xem là củ sâm hiếm bởi kích cỡ lớn.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm (huyện Nam Trà My) mua củ sâm Ngọc Linh “khủng” trên từ một người dân ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My).

Sanh cổ có rễ như củ nhân sâm, trả 100 cây vàng không bán

Tác phẩm sanh cổ, quý hiếm có tên “Ngũ phúc lâm môn” của ông Phạm Lân (Thanh Trì, Hà Nội) được coi là cây sanh hiếm có khó tìm bởi cây hội tụ đủ 4 yếu tố cổ - kỳ - mỹ - văn.

{keywords}
Tác phẩm sanh cổ, quý hiếm có tên “Ngũ phúc lâm môn”.

Chủ nhân của tác phẩm cho biết, đây là cây bonsai đại có tuổi đời khoảng 500 năm, chiều cao 2,45m, dài 1,7m, ngang 1,5m. Thân (vách) hoàn toàn tự nhiên thành một khối, đặc biệt bộ rễ lan tỏa xung quanh rất vững chãi. Cây sanh như một bức tranh cổ vì cây nguyên bản, từ rễ đến thân một màu đồng. 

Ông Lân mua cây sanh ở miền Nam sau thời kỳ sốt giá (2010) nên ông sở hữu tác phẩm này với giá khá rẻ. Sau gần 10 năm chăm sóc, tạo tác, cây sanh trở thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao và có giá khá đắt. “Năm ngoái, có người anh đến ngắm và trả 100 cây vàng (khoảng 3,7 tỷ đồng) nhưng tôi không nói gì bởi cây của tôi phải có giá cao hơn nhiều”, ông Lân nói.

'Cụ' sầu riêng 100 tuổi hiếm thấy, 2 người ôm không xuể

Ông Huỳnh Công Thống (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đang sở hữu một cây sầu riêng cổ khoảng 100 năm tuổi. Cây này có bề hoành khoảng 2,2m, cao 27m, tán rộng trên 10m.

{keywords}
Cây sầu riêng có chiều cao khoảng 27m.

Cây này nằm ở phía cuối vườn nhà ông Thống. "Cây này tôi không biết trồng vào năm nào nhưng nó có từ thời ông nội tôi và phát triển tới bây giờ, chắc là khoảng 100 năm rồi" - ông Thống cho hay.

Ông Thống tuy không biết cây sầu riêng này thuộc giống nào (Ri 6, Monthong, khổ qua, chuồng bò,...) nhưng trái của nó lại rất ngon. Trung bình, mỗi trái nặng khoảng 3 kg.

"Trái sầu riêng này rất ngon, nó có cơm dẻ, màu vàng, vị giống sầu riêng Ri 6, ngọt thanh, hạt nhỏ. Trung bình một mùa có khoảng 35 trái", ông Thống thông tin.

Chuyện lạ: Nhặt rác bẩn nuôi loài ruồi đẻ ra thứ trứng 'vàng'

Gần 2 năm qua, ông Dương Hữu Thoại (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã tìm tòi, nghiên cứu nuôi ruồi lính đen rất thành công.

Trang trại của ông Thoại rộng khoảng 600m2, được chia thành các khu vực cho ruồi đẻ trứng, khu vực nuôi ấu trùng.

Theo ông Thoại, vòng đời của ruồi lính đen khoảng 30 – 45 ngày. Chúng thường được cho đẻ trong các giá thể bằng gỗ, sau đó trứng nở thành ấu trùng rồi phát triển thành nhộng và lột xác thành ruồi.

{keywords}
 Ông Thoại nghiên cứu nuôi ruồi lính đen rất thành công.

Thức ăn của ruồi lính đen rất dễ kiếm, chủ yếu là rau củ hư hỏng bỏ đi, phụ phẩm nông nghiệp… được ông tranh thủ thời gian rảnh đến các chợ, bãi rác nhặt về. 

Người nuôi chủ yếu bán trứng và nhộng ruồi lính đen để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón rất tốt.

Việc giống bán trứng và nhộng ruồi lính đen đã giúp ông Thoại có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Sau khi nuôi thành công, ông Thoại đã chỉ dẫn lại cho một số người dân tại địa phương.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)