Sản lượng nhãn giảm

Với việc cải tiến khoa học kỹ thuật, hiện người trồng nhãn Hưng Yên đã trồng rải vụ, gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn. Hiện nay, diện tích trồng nhãn của toàn tỉnh Hưng Yên là hơn 4,5 nghìn ha, cho sản lượng hàng năm lên tới 55.000 tấn. Trong đó diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 1/4.

"Nhãn nhà tôi năm nay mất mùa, giảm 50%. Năm ngoái tôi bán được 2 tạ, nhưng năm nay mất mùa hoàn toàn, không có quả, không có quả là không có tiền", bà Trần Thị Tỏ (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) chia sẻ.

Vườn nhà bà Tỏ cũng như cả thôn đều rơi vào cảnh cây được cây mất, lúc ra hoa thì đạt trên 80%, nhưng khi đậu quả, sản lượng lại giảm mạnh.

{keywords}
Diện tích nhãn cho thu hoạch của Hưng Yên năm nay tăng 5% bù lại sản lượng nhãn chín sớm sụt giảm. (Ảnh minh họa: VOV)

Xã Tân Hưng, một trong những đơn vị bắt đầu thu hoạch nhãn sớm ở Hưng Yên, sản lượng toàn xã dự kiến 100 tấn, giảm 25 tấn so với niên vụ 2020. Nhãn ít nên giá cao, thu mua tại vườn là 50.000 đồng/kg.

"Năm nay, sản lượng không đủ để cung cấp ra các thành phố lớn, như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Ban chỉ đạo xã đã tuyên truyền cho bà con chú trọng vào chất lượng, áp dụng đúng tiêu chuẩn VietGAP đã đề ra", ông Ngô Quốc Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, cho hay.

Dự báo nguồn nguyên liệu khan hiếm, các lò sấy long nhãn năm nay khởi động sớm hơn 1 tháng. Nhãn tươi đắt khiến những sản phẩm chế biến từ nhãn cũng đắt theo, giá long nhãn cao nhất từ trước đến nay, lên đến 250.000 đồng/kg.

Diện tích nhãn cho thu hoạch của Hưng Yên năm nay tăng 5% bù lại sản lượng nhãn chín sớm sụt giảm. Nếu thời tiết thuận lợi thì trà nhãn chính vụ và nhãn muộn của Hưng Yên được kỳ vọng sẽ cho tỷ lệ đậu quả cao, dự kiến vào khoảng 50.000 tấn.

Sẵn sàng các kịch bản tìm đầu ra cho nhãn lồng

Nếu vụ nhãn năm 2020, cả nhà vườn và ngành Công Thương hay nông nghiệp của Hưng Yên đều bị động, giá nhãn có lúc giảm xuống còn 10.000 - 20.000 đồng/kg mua tại vườn, giá cao cũng chỉ được 30.000 đồng/kg. Năm nay, các giải pháp đã được tính đến với 2 kịch bản.

Kịch bản 1 là khi dịch được kiểm soát và kịch bản 2 là dịch bệnh phức tạp, giao thương ách tắc. Nhất là khi thị trường phía Nam, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, chợ đầu mối đóng cửa. Mỗi nhà vườn, hợp tác xã và địa phương đã lên các phương án ứng phó.

{keywords}
Nếu thời tiết thuận lợi thì trà nhãn chính vụ và nhãn muộn của Hưng Yên được kỳ vọng sẽ cho tỷ lệ đậu quả cao. (Ảnh minh họa: VOV)

Các nhà vườn thuộc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng hiện đã có thương lái đến đặt mua và một đơn hàng đi châu Âu. Tuy nhiên nếu dịch diễn biến phức tạp, hàng không thể xuất bán thì hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua cho bà con và đưa vào các cơ sở chế biến.

Từ 10/7, lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được lên sàn thương mại điện tử, phù hợp với bối cảnh mua sắm trực tuyến trong dịch bệnh. Cục Xúc Tiến Thương Mại (Bộ Công Thương) đã tập huấn kỹ năng cho bà con nông dân từ 2 tháng trước, hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng, kho bãi, vận chuyển để tạo thêm một kênh tiêu thụ mới cho người trồng nhãn.

Không dựa vào thị trường nội địa, ngoài thị trường xuất khẩu quen thuộc là Trung Quốc, năm nay Hưng Yên đã có văn bản ghi nhớ hợp tác với các tham tán thương mại tại châu Âu.

Ngày 15/7 tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến với hơn 40 điểm cầu trong nước và quốc tế. Đây là bước đi cần thiết để mở lối tiêu thụ cho đặc sản nhãn lồng khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

(Theo VTV)

Nhãn lồng Sơn La bán tại châu Âu giá gần 500.000 đồng/kg

Nhãn lồng Sơn La bán tại châu Âu giá gần 500.000 đồng/kg

Mới đây, lô nhãn lồng Sơn La đầu tiên đã tới Hà Lan và đã được phân phối cho các siêu thị châu Á ở Hà Lan và các nước lân cận.