Trong số muôn vàn cây lá của núi rừng thì có lẽ cây hạt dẻ gần gũi và để lại nhiều ấn tượng hơn cả.

Hàng năm, cứ độ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch, người dân những nơi gần các cánh rừng như Nghệ An, Lạng Sơn, Hòa Bình.... lại vào rừng nhặt hạt dẻ, bởi thời điểm này hạt dẻ rụng nhiều nhất.

Khi còn xanh, hạt dẻ được bao bọc bởi lớp vỏ đầy gai nhọn.

Nhưng khi chín, hạt dẻ sẽ rụng xuống đất, lúc đó phần lớn những hạt dẻ tí hon đã tách ra, nằm lăn lóc dưới nền đất

Màu của hạt dẻ với màu của đất gần giống nhau nên việc nhặt hạt dẻ cũng không hề đơn giản, người dân phải còng lưng, căng mắt ra mới lượm được. Sơ sẩy cái là bàn tay vương máu ngay bởi gai từ vỏ quả châm vào đau buốt tựa kim mà dùng găng thì lại không “thật tay” rất khó nhặt.

Dụng cụ mỗi lần đi nhặt hạt dẻ phải mang theo là túi đựng và một cái kéo nhọn. Bên cạnh những hạt được tách vỏ thì cũng có những hạt vẫn "nằm gọn im lìm cố thủ" trong lớp vỏ gai góc đó, nên phải dùng kéo nhọn để tách ra.

Chị Trần Thị Thúy ở xóm Yên Tân (Đô Lương, Nghệ An) cho biết nếu chịu khó thì mỗi ngày chị cũng nhặt được khoảng 12kg. Giá bán lẻ 40.000 đồng/kg, bán sỉ 35.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày chị cũng thu được khoảng 500.000 đồng.

Chị Thúy cho biết thêm, nhờ việc thu hoạch hạt dẻ hàng năm mà gia đình chị có tiền trang trải trong gia đình, nuôi được các con ăn học đầy đủ.

Những hạt dẻ căng bóng sau khi được tách ra khỏi lớp vỏ đầy gai nhọn

Được biết, cây dẻ rừng bắt đầu ra hoa vào mùa đông khoảng tháng 1-2 dương lịch rồi sau đó mới phát triển ra hoa kết quả, cho đến khoảng tháng 8 dương lịch hạt dẻ mới bắt đầu chắc thịt và cứng vỏ và cho thu những mẻ đầu tiên.

Trên chợ mạng, hạt dẻ rừng được bày bán nhiều với giá vào khoảng 50.000-60.000 đồng/kg và rất nhiều khách hỏi mua.

Muốn ăn hạt dẻ dẻo mềm và dậy mùi thơm chỉ cần rang nhỏ lửa, đều tay cho tới khi hạt dẻ "cười" lộ lớp nhân màu vàng ươm.

(Theo Dân Việt)