Kênh Elsa, Spiderman phản cảm thu nhập cao hơn kênh video của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, ước tính từ 300.000 USD đến 4,8 triệu USD/năm.

Thống kê từ công cụ Social Blade, có hàng chục kênh (channel) với định dạng tương tự nhau, dùng hình tượng nhân vật hoạt hình như Elsa, Spiderman...

Nhiều trong số đó không thuộc về network nhất định. Tuy vậy, Yeah1 Network - đơn vị quản lý kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life vừa bị bộ TTTT phạt 30 triệu đồng - đang sở hữu ít nhất 8 kênh khác nhau cùng khai thác các nội dung có hình tượng Elsa, Spiderman.

{keywords}

Kênh YouTube Elsa, Spiderman phản cảm vừa bị phạt có thông số phát triển khá ấn tượng.

Trong đó, Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life là channel có lượt xem cao. Đây là kênh chứa những video có hơn 37 triệu lượt xem. Hiện tại, kênh này đã chặn IP Việt Nam, ẩn toàn bộ clip và các hoạt động của mình với người dùng trong nước.

Tuy nhiên, theo những thông số mà Social Blade còn lưu lại, kênh này đang đạt xếp hạng loại A (có mức xem cao), với hơn 100 triệu lượt xem trong tháng vừa qua, hơn 92.000 lượt theo dõi.

Theo ước tính, kênh do Yeah1 Network quản lý này có thể thu về từ 25,1-402.300 USD/tháng, ước tính tối đa hơn 300.000 - 4,8 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, không phải kênh Elsa, Spiderman nào cũng có nội dung phản cảm. Một kênh khác thuộc network này là Spiderman Frozen Elsa&Friends cũng có lượt xem hơn 106 triệu, hơn 345.000 lượt đăng ký, với ước tính số tiền thu được mỗi năm từ 320.000 đến 5,1 triệu USD. Kênh này với nội dung tương đối nhẹ nhàng, không có cảnh hở hang và đang trình chiếu công khai cho người dùng Việt Nam.

{keywords}

Một kênh khai thác theo hướng nhẹ nhàng, không hở hang, phản cảm thậm chí có thu nhập tốt hơn kênh chính thức của Sơn Tùng M-TP dù các thông số thấp hơn.

Theo thống kê, tổng thu nhập của 8 kênh khai thác các nhân vật Elsa, Spiderman ước đạt từ 1,3 đến 16 triệu USD/năm. Đáng chú ý, những channel này vẫn phát triển mạnh, nhiều kênh có lượt xem, đăng ký tăng đến vài trăm % trong tháng qua.

Một điểm khác là các kênh trên đa số đặt quốc gia là Mỹ, nhắm tới người xem quốc tế.

Theo anh Nguyễn Tùng, một creator (người làm nội dung) cho YouTube tại TP.HCM, số tiền chênh lệch mức từ 1,3 đến 16 triệu USD/năm theo Social Blade tuỳ thuộc vào các điều kiện khác nhau.

Theo đó, nếu lượt xem đến từ các quốc gia phát triển (Mỹ, châu Âu), số tiền thu được từ quảng cáo cao hơn nhiều so với Việt Nam hoặc các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, các tuỳ chọn quảng cáo đi kèm như hiển thị banner, xem video cưỡng bức trước clip chính... cũng làm thay đổi mức thu nhập.

Theo anh Tùng, các kênh có nội dung Elsa, Spiderman đều có tiêu đề tiếng Anh, chỉ cho người dùng Mỹ và các quốc gia châu Âu xem, do đó, số tiền kiếm được từ quảng cáo không nhỏ.

Theo các nhà quảng cáo, doanh thu từ quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam khoảng 0,5 đến 1 USD/1.000 lượt xem. Trong khi đó, số tiền cùng lượt xem tại Mỹ, châu Âu từ 6 đến 8 USD.

Anh Nguyễn Tùng cho rằng, so với nhiều clip ca nhạc "đình đám" của Sơn Tùng, các channel trên kiếm tiền được nhiều hơn, do lượt xem MV ca sĩ Thái Bình chủ yếu ở Việt Nam - nơi giá quảng cáo dựa vào số view khá thấp.

{keywords}

Kênh của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có lượt đăng ký, lượt xem cao gấp nhiều lần nhưng thu nhập thấp hơn kênh Spiderman Frozen Elsa&Friends.

Theo nhiều dân làm nội dung YouTube các kênh Elsa, Spiderman nói trên đang là những con gà đẻ trứng vàng cho các network, do đó được ưu tiên phát triển, hiển thị bên phần gợi ý.

Chưa có con số chính thức về số tiền các network được hưởng cho việc hỗ trợ quản lý các kênh trên. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng họ có thể hưởng từ 20 đến 40%.

{keywords}

So sánh 3 kênh Elsa "sạch", "phản cảm" và kênh chính thức của ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Theo các chuyên gia, các network cần có trách nhiệm hơn trong việc quản lý những kênh này, không nên có chuyện bao che hoặc đồng lõa.

Trong thông cáo báo chí của mình, Yeah1 Network thừa nhận "chưa làm tốt nhất việc kiểm soát chặt chẽ nội dung của những video clip này" và họ sẽ "kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung dành cho thiếu nhi trên YouTube". Đồng thời, họ đang làm việc với những kênh có liên quan để xóa các clip trên, hoặc sẽ dừng hợp tác.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cho rằng đơn vị làm nội dung cũng như network cần có hành động sửa sai cụ thể, công khai.

Social Blade là trang thống kê chuyên theo dõi và phân tích mức độ phát triển trên nhiều nền tảng đa phương tiện như YouTube, Twitch và Instagram. Điểm khác biệt của Social Blade là họ sử dụng dữ liệu trực tiếp từ API của YouTube, được Google cho phép, phân tích và thể hiện chúng nhanh chóng.

Kể từ khi ra đời vào năm 2011, dữ liệu và xếp hạng trên Social Blade đã trở thành nguồn tham khảo tin cậy của những người làm nội dung YouTube.

(Theo Zing)