Quay về thị trường nội địa, đẩy mạnh chế biến sâu 

Dịch bệnh viêm phổi cấp Covid - 19 ngay lập tức ảnh hưởng nặng tới hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, bởi Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Theo đó, hàng trăm ngàn tấn nông thuỷ sản bế tắc đầu ra, giá lao dốc.

Đứng trước những khó khăn trên, Bộ NN-PTNT đã họp khẩu để bàn các giải pháp gỡ khó cho nông thuỷ sản xuất khẩu nói chung và trái cây nói riêng. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương kết nối với doanh nghiệp đầu ngành đẩy mạnh chế biến sâu, tăng cường tiêu thụ nội địa, tăng cường trữ kho lạnh...

Ngay lập tức, lãnh đạo tỉnh Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Gia Lai,... đã chủ động kết nối với các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ trái cây cho bà con nông dân.

Với sản lượng khoảng gần 45.000 tấn thanh long thu hoạch trong tháng 2 này, ông Biện Tấn Tài - PGĐ Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết, trước mắt Bình Thuận tập trung tiêu thụ thanh long thông qua thị trường nội địa.

{keywords}
Giá dưa hấu đã bật tăng trở lại nhờ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa

Hiện Sở đã làm việc với hệ thống tập đoàn, siêu thị, trung tâm thương mại,... ở miền Bắc về việc kết nối, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong tỉnh. Dự kiến các đơn vị sẽ tiêu thụ thanh long với sản lượng từ 120-200 tấn/ngày.

Thanh long Bình Thuận cũng được giới thiệu tiêu thụ ở các chợ đầu mối tại TP.HCM. Ngoài ra, tỉnh này cũng đang vận động một số doanh nghiệp thu mua thanh long lưu vào kho lạnh. 

Ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, cũng cho biết, một hệ thống siêu thị có chi nhánh tại tỉnh Tiền Giang đã đưa thanh long vào tiêu thụ tại các chi nhánh khác trong cả nước. Sở đang kết nối với Tỉnh đoàn và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh tổ chức các chuyến xe nông sản lưu động và đã bán được 6 chuyến với khoảng 3 tấn thanh long.

Sở Công Thương tỉnh này cũng tăng cường khảo sát các thị trường tại chợ đầu mối tại TP.HCM, khu vực miền Trung và miền Bắc để kết nối đưa sản phẩm nông sản Tiền Giang ra tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khảo sát các cơ sở chế biến, kho lạnh để vận động thu mua cấp đông trong điều kiện giá cả thuận lợi hiện nay...

Thực tế, những ngày này hàng chục ngàn tấn thanh long, dưa hấu đã được các hệ thống siêu thị như BigC, Vinmart, Vinmart+, Co.opmart,... thu mua và cam kết bán không lợi nhuận để giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Cẩn - Tổng Giám đốc Công ty Lavifood, thông tin, doanh nghiệp đang mở rộng thu mua và chế biến thanh long thành các dạng sản phẩm nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh... Việc chung tay giải quyết tồn dư nông sản do sự cố virus corona, theo ông, đem lại lợi ích cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Cái lợi lớn hơn là người trồng thấy rõ lợi ích từ việc liên kết với doanh nghiệp. “Hi vọng dịch corona qua mau và sau đợt dịch, việc ký kết hợp đồng mua bán để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng sẽ thuận tiện hơn”, ông Cẩn nói.

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các tỉnh, doanh nghiệp trong việc đưa trái cây vào chế biến sâu, tiêu thụ nội địa... giúp giá một số loại trái cây tăng mạnh. Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ đang được thu mua ở mức 13.000-14.000 đồng/kg thay cho 5.000-7.000 đồng/kg trước đó. Dưa hấu tại Gia Lai giá cũng bật tăng lên 3.000-4.000 đồng/kg thay vì 1.000 đồng/kg.

{keywords}
Ngành thuỷ sản có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu dịp này

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, song ngành thuỷ sản lại nhìn được ra nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá trị cạnh tranh với các mặt hàng của ngành này.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhận định, bên cạnh rủi ro như một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng đi Trung Quốc; EU, Mỹ đầu năm sang đánh giá nhà máy nhưng giờ ngưng hết,... những doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn đang tồn kho, chi phí khoảng 0,9-1,1 USD/pallet,... thì thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam cũng có một số cơ hội.

Trước hết là cơ hội tranh thủ thúc đẩy sản xuất. Những nhà làm ăn chân chính tại Việt Nam chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Sau dịch bệnh 3-5 tháng, sẽ có sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, như không ăn sống nhiều, hàng tươi ít đi, hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn.

Cơ hội thứ hai, cơ hội cho cá ngừ Việt Nam. Trung Quốc là một trong 5 nước bán cá ngừ lớn, các nước ngừng mua nên giá giảm sâu. Đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác như cá ngừ Việt Nam, gia tăng thị phần, giá cả, ông Nam cho hay.

Tương tự, với ngành hàng tôm xuất khẩu, dịch corona từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và giao thương với Trung Quốc. Các DN có thể tận dụng cơ hội giành thị phần lớn hơn tại thị trường nhập khẩu tôm truyền thống của Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, EU, ... bởi họ đang tạm ngừng đơn hàng từ Trung Quốc.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu nông thuỷ sản, cuối tháng 2/2020, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác trao đổi thương mại nông sản với Hoa Kỳ, do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước.

Ngoài ra, để mở rộng thị trường cho các loại nông sản Việt Nam, Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng có chuyến đi sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông. Một đoàn công tác khác do Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu sang Brazil trong tháng 3/2020 và tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật.

Tâm An