Nhập “cuộc chơi” xe nhỏ

Sau nhiều năm thờ ơ, cuối 2018, Toyota Việt Nam đã chính thức gia nhập phân khúc xe nhỏ giá rẻ với mẫu xe Wigo nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Mẫu xe này có giá bán tương đương với xe sản xuất lắp ráp trong nước, từ 345-405 triệu đồng. Với mục tiêu ban đầu đạt 800 xe/tháng, tính đến hết năm 2018, Toyota đã đạt kế hoạch đề ra.

Năm nay Toyota Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh tăng doanh số bán với mẫu xe nhỏ này để mở rộng thị phần. Với lợi thế về thương hiệu và là xe nhập khẩu, cùng giá bán cạnh tranh, đây là đối thủ hạng nặngtrong phân khúc.

{keywords}
Xe mới ra có mức giá hợp lý, cạnh tranh mạnh so với các mẫu khác trong phân khúc

Nhận thấy thị trường tiềm năng, Honda Việt Nam cũng đã nhập cuộc. Mẫu Brio đang được các đại lý ô tô Honda nhận đơn hàng đặt hàng, với mức giá dự kiến dưới 400 triệu đồng. Theo kế hoạch, cuối quý 1/2019, mẫu xe này sẽ về nước, chính thức tham gia cuộc chơi. Với thiết kế ngoại thất ưa nhìn và lợi thế thương hiệu, Honda Brio chắc chắn cũng là đối thủ nặng ký nữa, cạnh tranh ngang ngửa với Toyota Wigo, Hyundai i10 và Kia Morning.

Công ty VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ xuất xưởng mẫu Fadil và giao đến tay khách hàng vào quý 3 năm nay. Mẫu xe này có trang bị tốt nhất trong phân khúc xe hạng A với dung tích động cơ 1.4L, phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử, camera lùi và 6 túi khí,... Bên cạnh đó, khách hàng có thể lựa chọn những tính năng và trang bị riêng, do VinFast đưa ra, để tạo ra một chiếc xe cá nhân hóa, không giống với người khác. Vì vậy, đây là đối thủ tiềm tàng trong phân khúc.

Hyundai i10 và Kia Morning cũng có kế hoạch làm mới trong năm 2019, với thay đổi về thiết kế và trang bị thêm các tính năng mới, để tăng tính cạnh tranh.

{keywords}
Sự nhập cuộc của Toyota với mẫu xe nhỏ Wigo nhập khẩu

Ngoài ra, các đối thủ khác là Suzuki và Mitsubishi cũng đều có kế hoạch riêng để giành thị phần trong phân khúc xe cỡ nhỏ. Suzuki cho biết năm 2019 sẽ có chính sách giá dặc biệt với một loạt mẫu xe, trong đó có mẫu xe cỡ nhỏ Celerio. Vì vậy, thị trường ô tô phân khúc hạng A hứa hẹn sẽ rất sôi động trong năm 2019.

Hiện thị trường xe cỡ nhỏ bị thống trị bởi hai thương hiệu Hàn Quốc là Hyundai i10 và Kia Morning, lắp ráp trong nước. Năm 2018, Hyundai i10 bán được hơn 22.068 xe, chiếm tới 50% thị phần, Kia Morning xếp thứ hai với hơn 11.458 xe, chiếm khoảng 25% thị phần.

Tuy nhiên, sự nhập cuộc của Toyota Wigo vào quý 4/2018 đã làm cơ cấu thị phần thay đổi. Hyundai i10 vẫn giữ được doanh số bán tương đương với năm 2017, trong khi Kia Morning giảm gần 3.000 xe. Sang năm 2019, với sự xuất hiện của Honda Brio và Fadil, chắc chắc sẽ còn nhiều đổi thay.

{keywords}
Các mẫu xe nhỏ mới dồn dập ra mắt

Chờ xem cuộc đua về giá

Doanh số bán phân khúc xe nhỏ hạng A năm 2018 đạt hơn 40.000 chiếc. Các doanh nghiệp dự báo mức tăng trưởng riêng phân khúc này năm 2019 sẽ trên 10%, do thu nhập của người dân tăng lên, trong khi xe có giá rẻ phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người. Đặc biệt, các mẫu xe này rất phù hợp với các đô thị ngày càng đông đúc chật chội.

Cạnh tranh mạnh mẽ, giá xe sẽ không thể tăng, ngược lại có thêm nhiều chương trình khuyến mãi hỗ trợ khách hàng. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ phải đua trang bị thêm công nghệ mới để hút khách. Khi Toyota Wigo xuất hiện đã khiến Hyundai Thành Công phải hủy bỏ dự định tăng giá i10 vào cuối năm 2018.

Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các DN cho biết sẽ đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi từ Chính phủ; đồng thời, đề nghị công ty mẹ chia sẻ để có giá thành hợp lý nhất.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, cho biết, "để có giá bán hợp lý, chúng tôi đã đề nghị các đối tác, nhà cung cấp bộ linh kiện từ nước ngoài cùng chia sẻ. Cùng với đó là sắp xếp lại sản xuất, tối ưu mọi hoạt động và gia tăng sản lượng". Thời gian tới, khi Hyundai Thành Công khánh thành nhà máy lắp ráp ô tô con mới, tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, các mẫu xe lắp ráp sẽ tiếp tục giảm giá.

{keywords}
Giá xe nhỏ dự báo sẽ giảm nhờ các DN tăng tỷ lệ nội địa hóa

Xe nội sẽ có lợi thế nếu chính sách ưu đãi thuế được thông qua. Hiện các cơ quan chức năng đã đưa đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, với linh kiện ô tô sản xuất trong nước vào Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, dự kiến trình Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2019. Nếu chính sách này được thông qua, xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội để giảm giá.

Hiện nay, nhiều mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chỉ có tỷ lệ nội địa hóa từ 10-20%. Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 400 triệu đồng, khi áp dụng chính sách này, sẽ có mức giảm giá tương ứng từ 10-12%.

Giá xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm sẽ tác động đến thị trường ô tô nói chung, khiến các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc muốn cạnh tranh cũng phải có chính sách bán hàng hợp lý.

Bên cạnh đó là hợp tác với các ngân hàng, đẩy mạnh cho vay mua ô tô. Với xe giá rẻ, khách hàng chỉ cần có trong tay 90 triệu đồng, còn lại có thể vay ngân hàng, 300 triệu đồng, thời gian 3 năm thì số tiền phải trả hàng tháng không lớn. Vì vậy, thị trường ô tô cỡ nhỏ giá rẻ hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2019.

Trần Thủy