Cách Thủ đô Hà Nội 16 km về phía Bắc, nằm bên Quốc lộ 1A, gần kề với thị trấn Từ Sơn. Nơi đây có đầm Phù Lưu, được coi là nơi khởi đầu sông Tiêu Tương, con sông truyền thuyết đã gắn liền với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương cũng như trong văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc. Do thuận lợi về vị trí, cũng như phong thủy, Phù Lưu đã sớm hình thành nghề buôn bán từ xa xưa. Trong những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã từng là một chợ mang tên Thị Thôn. Cuối thế kỷ XV, chợ chùa Phù Lưu trở thành là một chợ nổi tiếng, thu hút nhiều thương khách đến buôn bán. Đặc biệt, người Phù Lưu đã vào tận Nghệ An mua sợi vải ra bán tại Chợ Giàu. Việc buôn bán này đã đi vào ca dao:

“Từ ngày có sợi Nghệ An

Dở ra hàng xén bán sang chợ Giàu”

{keywords}
Làng Phù Lưu đậm nét xưa (Ảnh: VOV5)

Từ việc bán sợi đã biến Phù Lưu thành trung tâm buôn bán. Người Đình Bảng sang bán lụa, người Cẩm Giàng bán rượu, người Đông Xuất bán cày bừa, người Trang Liệt bán đồ đồng vào các phiên chợ ngày 4 ngày 9 âm lịch trong tháng. Vào chiều tối những ngày trước phiên chợ, người các nơi đổ về chật đường, chật làng. Họ tràn vào các gia đình, cả đình chùa, miếu,mạo.

Đến nỗi và tháng 10 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thịnh (1789), dân làng sửa lại đình đã khắc lời nguyền: “Từ nay về sau nếu kẻ nào để cho khách đi đường hoặc thương nhân trú ngụ  ở tron đình sẽ xin thần linh tru diệt”.

Nhưng bất chấp lời nguyền đó, người buôn bán vẫn cứ kéo vào đình, không chỉ trú nhờ mà còn buôn bán trong đó, lâu dần thành quen, không ai cấm đoán nữa. Cả làng Phù Lưu trở thành một chợ lớn, một trung tâm hàng hóa của vùng Kinh Bắc. Vào ngày chợ phiên, mọi nhà trong làng đều mở cửa buôn bán. Sống trong môi trường đan xen giữa làng và chợ, bởi thế người Phù Lưu còn được gọi là dân kẻ chợ. Người cao tuổi ở làng Phù Lưu kể: "Hồi xưa ở trong làng thì ở khu vực sân đình là dãy hàng trầu cau, hàng vải, hàng xén và phía cuối làng là chợ bán trâu bò, cá, tôm, rồi hàng thịt. Nói chung chợ buôn bán đủ thứ từ cái cày bừa đến tơ lụa, vải vóc… Sau này chợ mới chuyển ra chợ ngoài đầu làng, chứ trước chợ chỉ họp trong làng".

Dù làng ở giữa vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh lúa nước, nhưng khác với các làng thuần nông, cuộc sống thường chỉ bó hẹp sau lũy tre làng, thì làng Phù Lưu là không gian mở để thu hút mọi người đến buôn bán ở chợ. 

Phù Lưu có tiếng quảng giao, có quan hệ làm ăn rộng rãi mà không mất đi bản tính hiền hòa,  gốc gác của người dân quê miền Bắc. Người cao tuổi ở làng Phù Lưu cho biết: "Dân Phù Lưu chúng tôi trước đây chủ yếu làm thương nghiệp, nông nghiệp chỉ có mấy gia đình làm thôi. Bởi thế làng Phù Lưu có cái tục rất hay là cho đi làm con nuôi. Con cái thường nhờ người khác nuôi, còn các cụ đi buôn đi bán khắp nơi. Một thời làng Phù Lưu là làng có nhiều con nuôi nhất ở miền Bắc".

Trong ký ức của nhiều người cao tuổi trong làng, Phù Lưu mang dáng dấp như một phố thị sầm uất với các của hàng cửa hiệu san sát hai bên đường. Cả làng được chia thành 10 xóm, những người giàu thường có cửa hàng, cửa hiệu ngay mặt phố. Đến Phù Lưu có cảm giác như đi giữa thành phố nhỏ. Do buôn bán có tiền nên khắp trong làng nhà xây, mái ngói khang trang, xếp thành từng hàng từng dãy. Từ năm 1937, phố Phủ Từ Sơn được thành lập, trung tâm văn hóa nơi đây được chuyển dần ra thị trấn. Năm 1958, chính quyền địa phương quyết định chuyển chợ trong thôn Phù Lưu ra vị trí mới, đặt tên là chợ Bách hoá Từ Sơn. Đến tận năm 2000, chợ mới được đầu tư, xây dựng lại, lấy tên cũ là Chợ Giầu (Chợ Giàu).

Trở lại thăm làng Phù Lưu, không gian làng quê vẫn giữ được vẻ yên bình, cổ kính. Điểm nổi bất nhất ở làng Phù Lưu chính là con đường làng lát đá xanh. Đình làng Phù Lưu mái cong vút nằm dưới tán rợp mát của cây bồ đề cổ thụ, được xem là một trong ba ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Cạnh đình là chùa Pháp Quang với tháp chuông được xây cao. Vẻ cố kính hài hoà trong cảnh tấp nập mua bán ở Phù Lưu khiến cho du khách có cảm giác như được trở về quá khứ.

Toàn làng hiện có gần 4000 nhân khẩu, ngoài nghề truyền thống buôn bán, giao thương khắp cả nước, người Phù Lưu còn có nghề làm đồ gỗ, nghề nấu cỗ phục vụ tiệc cưới. Những dãy cửa hàng sang trọng ngoài mặt phố đều là của người làng Phù Lưu". 

Trần Lan Phương