Nổi tiếng và tăng trưởng mạnh sau hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, du lịch Phú Yên còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, lượng khách đến đây đang có dấu hiệu chững lại khiến cơ quan quản lý du lịch địa phương lo lắng.  

Tại hội thảo Xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên diễn ra ngày 30/3 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên, cho hay, trong năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên là trên 1,4 triệu lượt, tăng 19,5% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế 35.500 lượt, giảm 12,4%). Tổng doanh thu trong hoạt động du lịch khoảng 1.245 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Bảy cũng thừa nhận, cơ sở hạ tầng ở Phú Yên còn yếu kém, đây là một hạn chế kìm hãm phát triển du lịch của tỉnh. Sản phẩm thiếu sự đa dạng, hiện đang nỗ lực cải thiện, chứ không chỉ tận dụng mỗi lợi thế về tài nguyên.

{keywords}
Phú Yên lo giữ chân khách sau hiệu ứng “hoa vàng trên cỏ xanh”

Góp ý cho cơ quan quản lý du lịch Phú Yên, ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ nhiệm CLB Du lịch Thủ đô, nhận xét, Phú Yên có tiềm năng du lịch phong phú, các DN đều tâm huyết với điểm đến do có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội so với Quy Nhơn (Bình Định), đặc biệt là về khoảng cách đi lại ít, dịch vụ làm hài lòng du khách.

Song, DN du lịch từ Hà Nội đang khó đưa khách đến Phú Yên do tần suất các chuyến bay hạn chế; ít có sự lựa chọn về cơ sở lưu trú. Hiện có 2 hãng hàng không khai thác đường bay Hà Nội - Phú Yên là VietjetAir và Jetstar Pacific, với 2 chuyến tổng cộng đưa tổng cộng khoảng 400 khách/ngày tới Tuy Hòa, như vậy là rất hạn chế.

Trong khi đó, tuy có đường biển dài (189km) nhưng lại bị các DN chiếm giữ mà không triển khai thi công, khiến tỉnh thiếu các cơ sở lưu trú cao cấp, khách sạn 3 sao.

“Điểm mạnh của Phú Yên là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp, nhưng khách không thể ở trong khách sạn rồi đi bộ một quãng xa để ra bãi tắm được. Cần có khách sạn với bãi tắm riêng và những bãi tắm công cộng cho du khách”, ông Đài kiến nghị.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, đại diện công ty du lịch Vietrantour, cho biết, công ty khai thác tou du lịch Phú Yên từ năm 2014 và nhận thấy, khách du lịch đến đây ngày nhiều, nhất là sau hiệu ứng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

{keywords}
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Phú Yên cần quy hoạch tổng thể ngành du lịch (ảnh báo TQ)

Nhưng bà cũng cho rằng, so với Quy Nhơn, lượng khách đến Phú Yên bắt đầu chững lại do dịch vụ lưu trú còn hạn chế, chưa nhiều cơ sở mới; không có dịch vụ bổ sung, thiếu sự cạnh tranh. Tại các các điểm đến, thông tin giới thiệu chưa sâu, thiếu sự dẫn dắt, thổi hồn.  

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lưu ý, Phú Yên là địa phương có tài nguyên đa dạng, khác biệt, độc đáo: từ biển đảo đến hệ sinh thái, yếu tố lịch sử, văn hóa. Giao thông hàng không, đường sắt, đường bộ đã kết nối đến tỉnh.

Tuy nhiên, so với các địa phương lận cận là Bình Định, Khánh Hòa thì Phú Yên kém phát triển hơn. Khách đến đây còn khiêm tốn. Lý do, theo ông Chung, có 2 điểm nghẽn: thứ nhất, sản phẩm ít, đơn điệu chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên, thiếu sự đầu tự tạo sức hấp dẫn với du khách; thứ hai, DN du lịch ở Phú Yên còn ít và nhỏ bé, cơ sở lưu trú còn thiếu, nhất là các khách sạn 4-5sao.

Do vậy, ông Chung cho rằng, để du lịch phát triển, Phú Yên phải lấy du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa truyền thống làm mũi nhọn. Với lợi thế của người đi sau, Phú Yên có điều kiện phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp để sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

“Phú Yên phải quy hoạch phát triển tổng thể du lịch, xác định dòng sản phẩm chiến lược, tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững. Cần có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư hạ tầng. Phải 'săn đuổi' để có nhà đầu tư tầm cỡ, tạo ra sản phẩm mang tính mũi nhọn”, ông Chung nói.

Ngọc Hà