Siết điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế

Nguồn tin của PV. VietNamNet cho biết, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai bộ Y tế, Công Thương và các cơ quan liên quan được chỉ đạo phải xử lý nhanh việc này, “không để lỡ thời cơ”. Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 20 ngày 28/2/2020 để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nêu trên.

Tại dự thảo về xuất khẩu mặt hàng này, Bộ Y tế cũng đã tính phương án không để xảy ra tình trạng các cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang y tế trong nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

{keywords}
Chỉ được xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế khi đảm bảo nhu cầu và dự trữ trong nước

Do đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20 theo hướng “Cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu”.

Doanh nghiệp muốn xuất được khẩu trang y tế phải trình một trong các văn bản là Bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế; Bản chính văn bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế, trong đó phải ghi rõ số lượng khẩu trang và thời gian thực hiện cam kết không quá 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận.

"Không áp dụng quy định này đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020", Bộ Y tế. 

Như vậy, để được xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế, doanh nghiệp sẽ phải mất một khoảng thời gian để đáp ứng các điều kiện nêu trên. Điều này theo phân tích của giới chuyên môn, không phù hợp với việc tận dụng thời cơ sản xuất, xuất khẩu khẩu trang y tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, quan điểm này của Bộ Y tế đang tạo ra nhiều lo ngại tái diễn tình cảnh như xảy ra với mặt hàng gạo thời gian qua.

Lo những lùm xùm nảy sinh

Theo nội dung dự thảo, doanh nghiệp chỉ được xuất khẩu khẩu trang y tế khi đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu “bằng 20% số lượng ghi trên tờ khai xuất khẩu”.

Tuy nhiên, theo Luật Hải quan, doanh nghiệp có thể mở một hoặc nhiều tờ khai tại một hoặc nhiều Chi cục Hải quan khác nhau. Doanh nghiệp chỉ cần một trong các chứng từ kể trên thì có thể được xuất khẩu khẩu trang y tế tại nhiều chi cục hải quan. Như vậy, hải quan khó lòng giám sát được lượng khẩu trang xuất khẩu.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao mua dự trữ 60 triệu chiếc khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đến nay Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 46 triệu chiếc (trong đó 23 triệu chiếc có thể cung cấp trong tháng 4/2020 và 12 triệu chiếc sẽ được cung cấp trong tháng 5/2020) và hiện còn 14 triệu chiếc chưa mua được theo kế hoạch được giao.

Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp hoàn toàn có thể “lách” được quy định này, không cung cấp cho các cơ sở y tế lượng khẩu trang cần thiết.

Một giải pháp khác, để tránh lặp lại tình trạng như mặt hàng gạo khi Tổng cục Dự trữ Nhà nước không mua đủ lượng gạo dự trữ, Bộ Y tế có thể ưu tiên doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ cung cấp sản phẩm cho dự trữ thì được xuất khẩu, có xác nhận của Bộ. Dựa trên lượng khẩu trang doanh nghiệp đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế, Bộ Y tế xác nhận lượng khẩu trang doanh nghiệp được xuất khẩu.

Như vậy, Bộ Y tế nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu “bằng 20% số lượng xuất khẩu”, thay vì theo "số lượng tờ khai xuất khẩu".

Bên cạnh đó, một chuyên gia cho rằng: Nếu Bộ Y tế có thể thu mua được đủ số lượng khẩu trang y tế theo nhiệm vụ được giao trong tháng 5 thì hoàn toàn có thể cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị điều chỉnh về điều kiện xuất khẩu. Như vậy, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “tận dụng thời cơ”. Điều này cũng tạo ra sự công khai, minh bạch, tránh tình trạng "mập mờ" như xảy ra với mặt hàng gạo.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế, năng lực sản xuất của 47 doanh nghiệp có thể lên đến 25,5 triệu chiếc/ngày nếu đủ nguyên liệu sản xuất.

Ước tính nếu chỉ tính riêng nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế là khoảng trên 2 triệu chiếc/ngày và nếu tính cả nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế cho các đơn vị, lực lượng khác có tham gia phòng chống dịch trong cả nước (chưa bao gồm nhu cầu sử dụng của người dân trong cộng đồng) sẽ là khoảng trên 3,5 triệu chiếc/ngày.

Lương Bằng

Doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải

Doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải

Dồn đập đơn hàng may mặc bị hủy, nên nhiều doanh nghiệp dệt may muốn xuất khẩu trang vải sang Mỹ, EU.