Ship âm nhạc về tận nhà

“Em ơi ta vui cho hết đêm nay
Em ơi ta nâng ly uống cho say... ”

Giai điệu bản ca “Bài Tango buồn” của nghệ sỹ Lương Gia Huy vang lên trong phòng khách của gia đình Thiện Thảo (quận Gò Vấp) ngỡ như âm thanh tại một quán karaoke chuyên nghiệp. 11h trưa, các thành viên trong nhà ngồi quây quần, tận hưởng cảm giác rất lâu rồi mới có. Họ được hát và hát cho nhau nghe.

Thảo cho biết, bản thân vốn đam mê ca hát cũng như thích không khí hát cùng bạn bè, người thân tại quán karaoke. Tuy nhiên, giãn cách xã hội khiến dịch vụ kinh doanh karaoke phải tạm dừng, thú vui của Thảo không được giải tỏa trong thời gian dài giãn kéo cách dẫn đến việc cô bị stress. Với lý do trên, Thảo quyết định thuê nguyên dàn máy karaoke về lắp đặt tại nhà để được hát.

“Tôi thấy dịch vụ này khá thú vui, nhu cầu cá nhân được đáp ứng nhưng vẫn tuân thủ quy định 5K mùa dịch”, Thảo chia sẻ.

{keywords}
Nhân viên kỹ thuật "ship âm nhạc" về tận hộ gia đình (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Để thuê một dàn karaoke, các gia đình sẽ thỏa thuận chi phí đặt cọc đi kèm hợp đồng (ảnh: Trần Chung)

Anh Nguyễn Quế Sơn, đại diện hệ thống karaoke ICool - đơn vị cung cấp dịch vụ “ship âm nhạc” tận nhà - cho biết, mức giá thuê trang thiết bị âm thanh nếu khách có nhu cầu giải trí tại nhà trong 3 ngày là 2,9 triệu; 7 ngày là 5 triệu; một tháng là 12 triệu. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải đối mặt với tình huống không mong muốn nếu trong thời gian thuê, thiết bị karaoke có vấn đề hỏng hóc nguyên nhân từ phía khách hàng. Do vậy, hợp đồng thuê sẽ có một phần tiền đặt cọc.

Để duy trì công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động thời gian này, đơn vị còn cung cấp cả dịch vụ sửa chữa điện gia dụng, nội thất, máy lạnh..

“Quá khó khăn, nhân sự chúng tôi giờ làm đủ mọi thứ có thể kiếm sống. Bán đồ ăn mang đi, bán bún thịt nướng, sửa điện gia dụng và giờ lắp đặt dàn karaoke. Nhưng mong muốn lớn nhất vẫn là dịch vụ karaoke được mở lại để công ty đủ điều kiện trang trải, giúp người lao động đi làm đầy đủ”, ông Sơn nói.

Trong 24h đầu tiên thông báo triển khai dịch vụ, có 5 thông tin liên hệ hỏi thăm thuê và mua máy móc. DN dự tính vẫn duy trì dịch vụ cho thuê ngay cả khi hát tại chỗ được phép mở lại. Nếu lo lắng tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới các gia đình xung quanh, khách hàng trao đổi trước với đội kỹ thuật lắp đặt để xử lý cách âm tạm thời, giảm thiểu tối đa tiếng ồn.

Người thuê dịch vụ cho rằng, đương nhiên không khí hát tại gia đình không thể bằng tại quán, chất lượng âm thanh không thể đạt 100% như những phòng karaoke chuyên nghiệp. Dẫu vậy, chỉ đạt khoảng 60% yêu cầu và cảm thấy an toàn mùa dịch là có thể chấp nhận được.

{keywords}
Cơn "nghiện" hát karaoke sẽ được giải tỏa phần nào với dịch vụ này (ảnh: Trần Chung)

Kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar cần đáp ứng 6 tiêu chí bắt buộc

Với lo lắng về việc ngành karaoke có thể bị xóa sổ do đóng cửa quá lâu, ICool trước đó đã gửi đơn kiến nghị trực tiếp tới Chủ tịch TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế và Sở Văn hóa - Thể thao. Hệ thống này đề xuất được hoạt động trở lại vào 31/10 tới.

Tại buổi họp báo chiều 21/10, ông Mai Bá Hùng, PGĐ Sở Văn hóa Thể Thao TP.HCM, thông tin, ngày 15/10, UBND TP đã ban hành 4 quyết định liên quan tới lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trong đó, Quyết định 3583 đã xây dựng Bộ tiêu chí để các cơ sở kinh doanh karaoke, kinh doanh vũ trường, quán bar,...chuẩn bị để thực hiện khi được phép.

Các cơ sở này cần tập trung vào 10 tiêu chí. Trong đó, 6 tiêu chí là bắt buộc và 4 tiêu chí thực hiện bổ sung. Bắt buộc gồm: thực hiện mã QR, các cơ sở đăng ký có mã QR; thực hiện 5K; đo thân nhiệt; quy mô khoảng cách... Các tiêu chí bổ sung như: phương án bố trí lối ra vào của địa điểm kinh doanh; thành lập tổ Covid để giải quyết khi có sự cố xảy ra; có kế hoạch, phương án khi các đoàn kiểm tra đến và trình bày.

“Cơ quan chuyên môn sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm tại cơ sở kinh doanh”, ông Hùng nói.

Trần Chung

Karaoke lo bị xóa sổ, rạp phim nguy cơ phá sản

Karaoke lo bị xóa sổ, rạp phim nguy cơ phá sản

Sau thời gian dài phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, rạp chiếu phim tại TP.HCM đã kiệt quệ.