Quá ít “Hộ kinh doanh Xanh”, hàng quán mở lại

Chủ quán Bún bò Huế Bến Ngự (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho biết, để được cấp chứng nhận “Hộ kinh doanh Xanh” và mở lại hoạt động bán hàng, cửa hàng của ông phải thực hiện “3 tại chỗ” cho nhân viên, đồng thời thực hiện xét nghiệm đều đặn và chi phí xét nghiệm tự chi trả. Hàng ngày, cơ quan chức năng của phường sẽ xuống kiểm tra việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Theo chủ quán, hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 20-25% nên giá bán có nhỉnh hơn trước, hộ kinh doanh không mong chờ có nhiều khách đặt hàng thời điểm này. Họ chủ yếu cầm cự, mở lại cửa hàng kinh doanh cho đỡ nhàm chán chứ không thể bán có lời.

Bà Ngọc Dậu, chủ quán hủ tiếu (phường Bình Thuận, quận 7), thông tin, nhân viên phục vụ quán đã về quê tránh dịch từ khi quán tạm dừng hoạt động. Nếu mở lại, quán phải tuyển nhân viên mới hoặc tìm cách liên hệ để nhân viên cũ có giấy đi đường trở lại TP.HCM.

{keywords}
Một hộ kinh doanh được gắn biển "Doanh nghiệp Xanh" tại quận 7, TP.HCM

Những lý do trên là một phần nguyên nhân dẫn đến việc không nhiều hộ kinh doanh muốn mở lại hoạt động thời điểm này. Khảo sát của PV. VietNamNet tại các tuyến đường chính trên địa bàn quận 7 (nơi được đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh Covid-19) như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát,... cho thấy, số lượng cửa hàng, hộ kinh doanh được dán biển “Hộ kinh doanh Xanh” là rất ít.

Tương tự, mật độ các điểm kinh doanh mở lại tại quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận hiện cũng khá thưa thớt.

Chị Trần Thu Hậu (chủ tiệm cơm tấm tại quận 1) chia sẻ, gia đình chưa có ý định mở lại trong thời điểm này. Chị Hậu đưa ra 3 lý do: giá nguyên liệu chế biến đang biến động; số lượng nhân viên văn phòng - nguồn khách chính của quán - đi làm lại chưa nhiều và khách hàng gặp khó trong việc đặt hàng, giá phí vận chuyển còn cao.

80.000 shipper hoạt động

Liên quan đến hoạt động giao nhận hàng hóa, shipper Văn Mạnh (Phú Yên) cho hay, hiện tại, các đơn hàng khó đặt do vướng việc di chuyển. Ví dụ: đi từ điểm A tới điểm B trên bản đồ thì nhanh, song thực tế, nhiều tuyến đường bị chặn rào phòng chống dịch khiến tài xế phải đi lòng vòng mới đến được điểm giao hàng. Thế nhưng, số tiền tính cho tài xế vẫn không cao hơn nhiều.

“Tài xế đăng ký hoạt động lại dần nhiều nhưng ra đường thấy di chuyển vậy nên nhiều người cũng nản, không muốn chạy”, anh Mạnh nói.

Cũng theo tài xế này, TP đang hỗ trợ chi phí xét nghiệm tới hết tháng 9, nếu không còn được hỗ trợ phí xét nghiệm thì khả năng cao nhiều người dừng chạy vì mức thù lao nhận được so với công sức, chi phí bỏ ra là không xứng đáng.

{keywords}
Đội ngũ shipper hỗ trợ đắc lực cho việc giao nhận hàng hóa

Trước phản ánh mức giá dịch vụ shipper tăng cao, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các DN cung cấp dịch vụ áp dụng mức giá giao nhận hàng hóa ngang bằng mức giá khung giờ bình thường khi chưa áp dụng giãn cách xã hội, không áp dụng mức giá giờ cao điểm.

Cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá nhằm trục lợi. Trong điều kiện thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng vì dịch Covid-19, Sở Công Thương mong muốn DN thể hiện tinh thần chia sẻ, sự đồng hành của lực lượng shipper cùng với người dân vượt qua khó khăn.

Tại buổi họp báo chiều 20/9, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương - thông tin, hai ngày qua số lượng shipper đăng ký tăng lớn, hiện lên tới 82.000 người. Hơn 24.000 shipper hoạt động trước đó giúp chuyển tải hơn 530.000 đơn hàng đến người dân. Dự kiến ngày 20/9, số đơn hàng giao thành công của shipper có thể lên tới 600.000-700.000 đơn, thậm chí cả triệu đơn hàng. Việc cho phép đội ngũ shipper hoạt động nhằm giúp một bộ phận lao động có việc làm trở lại.

Trần Chung

1,7 triệu hộ đăng ký đi chợ hộ, 20.000 shipper đã ra đường

1,7 triệu hộ đăng ký đi chợ hộ, 20.000 shipper đã ra đường

Số hộ dân đăng ký đi chợ hộ chiếm hơn 67% dân số sinh sống tại TP.HCM. Ngoài ra, khoảng 20.000 shipper đã được ra đường giao nhận hàng hóa.