Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng, đo lường xăng dầu trong dự thảo, Bộ Công an đã có ý kiến góp ý. Theo Bộ này, thời gian qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua lẻ xăng dầu thường không cần hóa đơn, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ.

Một số vụ việc điển hình được dẫn ra như vụ tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu DO giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng; vụ bắt giữ hơn 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An…

{keywords}
Bên trong nơi sản xuất xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng. Ảnh: D.Phong

Bộ Công an cho rằng, dự thảo chưa đưa ra hướng khắc phục tình trạng trên, trong khi đã có Nghị định số 119 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và Thông tư số 15 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Do vậy, theo Bộ Công an, Dự thảo cần quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế.

Trước góp ý nêu trên, Ban soạn thảo dự thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công trả lời nội dung kiến nghị liên quan đến quản lý chất lượng xăng dầu) cho biết, việc kẹp chì niêm phong chỉ thực hiện đối với các thiết bị liên quan đến việc giao nhận giữa các chủ thể khác nhau, do đó, chỉ thực hiện đối với các bồn chứa xăng dầu trên các phương tiện vận chuyển xăng dầu khi mua bán hàng hóa và hiện vẫn đang được thực hiện.

Còn đối với các bể chứa xăng dầu của doanh nghiệp, do chỉ để tồn chứa xăng dầu của doanh nghiệp, chất lượng, số lượng xăng dầu trong bể chứa do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nên không cần kẹp chì niêm phong bắt buộc.

Về quản lý chất lượng xăng dầu, Ban soạn thảo cho biết ngoài việc đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 83, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế phải đáp ứng các quy định hiện hành khác trong quá trình hoạt động như tuân thủ quy định về chất lượng, đo lường, hạch toán kế toán, thuế, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…

Việc quản lý về chất lượng, đo lường xăng dầu trên thị trường hiện được Chính phủ phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm.

Để quản lý chất lượng, đo lường xăng dầu kinh doanh trên thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có các quy định cụ thể tại Thông tư số 15. Theo đó, Bộ quy định cụ thể về đo lường đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tồn chứa, bán lẻ xăng dầu…

Trong đó nêu rõ "các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định"; "Các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định…".

Về việc quản lý về hóa đơn điện tử, Ban soạn thảo cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 151 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được bắt buộc thực hiện từ ngày 01/7/2022.

Theo Ban soạn thảo, đây là lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngoài việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định sửa đổi, cũng phải tuân thủ các quy định về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế nêu trên.

Việc áp dụng quy định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động mua bán xăng dầu trên thị trường, hạn chế gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Do đó, Ban soạn thảo nhận thấy không cần quy định về kết nối dữ liệu cột bơm xăng dầu đến các cơ quan thuế tại Nghị định này.

(Theo Dân Trí)