Dịch tả lợn châu Phi tồn tại cả thế kỷ nay, khiến nhiều quốc gia khiếp sợ vì vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc chữa trị. Lợn mắc bệnh sẽ chết từ từ, song tỷ lệ chết là 100%. Nguy hiểm hơn, virus dịch tả lây lan qua rất nhiều đường khác nhau.

Tại Việt Nam, sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào giữa tháng 2/2019, đến nay, dịch bệnh này đã lây lan khắp 63 tỉnh thành, buộc phải tiêu huỷ gần 6 triệu con lợn, chiếm khoảng 18% tổng đàn. Trên thực tế, số lợn bị tiêu huỷ do dịch tả lợn có thể lớn hơn rất nhiều con số mà cơ quan chức năng công bố.

Trước dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại nặng nề, nhiều người chăn nuôi đã mày mò tìm mọi cách phòng chống, mong sao giữ được đàn lợn của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi qua chiếc cổng sắt kiên cố, lối đi vào có giàn phun hoá chất sát trùng nhìn chẳng khác gì khu khử trùng hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu có tại các trang trại quy mô lớn, anh Nguyễn Văn Trinh - chủ trang trại nuôi lợn tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng, Nam Định) mời chúng tôi vào nhà tạm. Anh thành thật xin lỗi không thể dẫn vào trang trại dù nơi đấy trống trơn, với lý do anh sắp vào đàn mới, tuyệt đối không ai được vào khu chuồng nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

{keywords}
Cổng khu trang trại lợn nhà anh Trinh được thiết kế có giàn phun thuốc sát trùng, xe chở người và thức ăn chăn nuôi đi qua đều phải sát trùng cẩn thận

Chỉ ra khu chuồng được phủ kín bằng bạt, anh Trinh tâm sự, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, những người chăn nuôi như anh buộc phải tìm mọi cách để chống chọi, giữ bằng được đàn lợn an toàn, không thì phá sản.

Vì thế, ngoài chăn nuôi an toàn sinh học, suốt thời gian nuôi lợn vừa qua, xe chở thức ăn chăn nuôi đều phải đi qua cổng để phun sát trùng. Người bốc dỡ cám, cám cũng phải phun sát trùng. Vôi bột thì lúc nào cũng được rắc trắng xoá khu chuồng trại.

Bản thân anh và công nhân thì quyết định giam mình trong trang trại suốt 4 tháng trời, bắt đầu từ lúc vào đàn cho đến khi xuất bán lợn. Trong suốt quá trình đó, mọi người đều không được ra khỏi trại, ăn ngủ nghỉ tại chỗ.

Ngay cả thực phẩm ăn hàng ngày, trang trại có gì ăn đó, tuyệt đối không đưa thực phẩm bên ngoài vào vì anh sợ đem thêm virus dịch tả lợn châu Phi vào bên trong.

“Hôm nay các cô cậu được vào đây là vì tôi đã bán hết lợn. Chứ trang trại mà còn lợn thì tôi không cho vào trang trại đâu, kể cả lãnh đạo tỉnh, trung ương tôi cũng từ chối hết”, anh Trinh cười nói.

{keywords}
Dù đã bán hết lợn nhưng anh vẫn không cho bất cứ ai bước vào khu chuồng trại trừ những người làm tại đây để đảm bảo an toàn

Bà Loan - mẹ vợ anh Trinh - cũng thừa nhận, suốt 4 tháng trời nuôi lợn, mọi người đều ở lại trang trại. Hàng ngày, họ ăn rau trồng ở đây, cá, trứng, gà vịt nuôi tại chỗ, lợn thì bắt trong chuồng ra thịt cấp đông ăn dần.

Còn chuồng trại chăn nuôi thì được tăng cường vệ sinh. Ngoài rắc vôi bột xung quanh, công nhân thường xuyên dọn vệ sinh, tắm rửa cho lợn từ 4 lần/ngày lên 6 lần/ngày. Giàn máy phun thuốc khử trùng được lắp khắp chuồng trại theo kiểu phun sương, mỗi ngày tiến hành phun một lần nhằm giữ sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng cho lợn. Các khu chuồng được phủ kín bạt để hạn chế ruồi muỗi, chim chóc bay vào đem them mầm bệnh.

Nuôi lợn trong thời kỳ dịch bệnh, theo anh Trinh, tất cả chi phí đều tăng mạnh. Riêng tiền vôi bột anh phải chi tới 100 triệu đồng, tiền thuốc khử trùng cũng tốn một khoản rất lớn. Chưa kể, điện càng ngày càng tăng giá, nước sử dụng trong chăn nuôi trước kia là nước ao hồ, giờ thì phải dùng 100% nước máy nên tốn kém hơn rất nhiều.

Nhưng dù có tốn kém đến đâu, anh cũng chấp nhận, miễn sao giữ được đàn lợn an toàn trước dịch bệnh.

Anh Trinh chia sẻ, gia đình anh bắt đầu nuôi lợn từ năm 2015. Đến năm 2016, giá lợn giảm thê thảm, anh phải bán lợn hơi với giá 21.000 đồng/kg. Song, khi ấy anh chỉ lo về giá, còn giờ dịch bệnh khiến anh mất ăn mất ngủ. Bởi lợn mà mắc dịch thì chết 100%, coi như mình phá sản.

{keywords}
Suốt 4 tháng, anh Trinh và công nhân đều không ra khỏi trang trại nhằm hạn chế lây nhiễm, quyết giữ an toàn cho đàn lợn 2.400 con của mình

“Quá trình nuôi thót tim nhất là gần đến lúc xuất bán lợn. Tự nhiên có một ô chuồng có lợn lăn đùng ra chết. Tôi nghĩ thôi chết rồi, dịch tả đã vào đến trại nhà mình. Sau đó vài hôm thì mừng rơi nước mắt, thở phào nhẹ nhõm vì kết quả xét nghiệm bệnh phẩm lợn âm tính với dịch tả lợn châu Phi”, anh kể. Những con lợn đó chết do mắc dịch tả lợn cổ điển, dịch bệnh này đã có vắc xin rồi nhưng có thể ô chuồng đó trong quá trình tiêm vắc xin gặp trục trặc nên vắc xin không phát huy hiệu quả.

Sau suốt 4 tháng giam mình trong trang trại, không giao tiếp với mọi người bên ngoài đồng thời áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học, anh Trinh giữ được đàn lợn 2.400 con an toàn và đã xuất bán cách đây hơn 1 tháng với giá 49.000 đồng/kg lợn hơi. Bán hết 2.400 con với trọng lượng hơn 300 tấn, anh thu khoảng 15 tỷ đồng.

Dù không tiết lộ số lãi thu được, song anh Trinh thừa nhận bán lợn giá như vậy chắc chắn có lãi dù không nhiều. Theo anh, như thế vẫn là may mắn hơn các trang trại các, họ bị dịch phải tiêu huỷ hết, còn anh vẫn là giữ được đàn lợn an toàn.

Trao đổi về câu chuyện giá lợn đang tăng cao kỷ lục, sao không vào đàn ngay, anh Trinh cho hay mỗi lần anh vào đàn là 2.400 con lợn. Lúc xuất bán sẽ bán một thể, không nuôi gối đầu như những trang trại khác. Bán lợn xong anh để chuồng trại trống cách ly một thời gian đảm bảo an toàn.

Anh chia sẻ, ở địa phương hôm trước có hộ vào đàn sớm, mấy chục con lợn sau đó bị chết sạch. Thế nên, khi vào đàn với số lượng lớn anh phải tính toán rất cẩn thận, không ham hố giá lợn cao rồi vào đàn gấp. Bởi, giá cao ở thời điểm hiện tại, nhưng sau 3-4 tháng giá có thể xuống thấp thì sao.

Hiện anh đang tìm nguồn lợn giống tại một số trang trại ở Nghệ An - khu vực này vẫn an toàn. Nếu ổn thì 2 tuần nữa anh sẽ vào đàn mới. Khi vào đàn, anh tiếp tục thực hiện biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để giữ an toàn đàn lợn, anh Trinh chia sẻ.

Mời độc giả xem clip tự tạo về bài viết:

Bảo Phương