Li Jiaqi, một trong những streamer nổi tiếng nhất Trung Quốc, còn được gọi là "ông hoàng son môi" đã mang về doanh thu 145 triệu USD sau chương trình livestream bán son trên website thương mại điện tử Alibaba trong ngày độc thân (11/11/2019).

Đó là con số mơ ước của rất nhiều công ty kinh doanh. Dù vậy, không phải cứ thuê KOL để quảng bá sản phẩm là sẽ có lợi nhuận.

{keywords}
Li Jiaqi được gọi là "ông hoàng son môi" với những buổi livestream bán son mang về doanh thu triệu USD. Ảnh: Handout.

Doanh thu khủng nhưng chưa chắc hòa vốn

Theo Damian Maib, nhà sáng lập hãng marketing Genuine German, công ty của anh thường trả 43.000 USD phí cố định, chia 25% doanh số bán hàng để thuê một KOL xuất hiện trong buổi livestream bán hàng trên Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc). Các KOL còn yêu cầu sản phẩm bán trong chương trình phải được giảm giá 40%.

"Chúng tôi bán rất nhiều hàng, nhưng không phải lúc nào cũng có lợi nhuận vì những món hàng ấy được bán với giá rất thấp", Maib chia sẻ.

Genuine German có trụ sở tại Berlin (Đức) và Thượng Hải (Trung Quốc), đang mở rộng thị trường tại Trung Quốc. Mỗi tháng, công ty của Maib tốn hàng trăm nghìn USD để thuê KOL quảng bá thương hiệu, sản phẩm (chủ yếu là quà lưu niệm, đồ gia dụng) tại đất nước tỷ dân thông qua livestream.

Theo Maib, các KOL muốn fan của họ được mua hàng với giá rẻ nhất nên sẽ mặc cả, còn phía Maib chỉ có 2 lựa chọn đồng ý hoặc không.

Buổi livestream dài 5 giờ mang về doanh thu 428.000 USD cho thương hiệu mà Genuine German đại diện, tuy nhiên không đủ bù đắp các chi phí như hậu cần (logistics), phí nền tảng và tiền chia cho KOL.

{keywords}
Li Jiaqi mang về cho Alibaba 145 triệu USD trong một buổi livestream bán son cùng tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Youku.

Vẫn có thể lỗ ngay cả khi thuê KOL nổi tiếng

Ngày nay, ngành bán lẻ tại nhiều quốc gia phụ thuộc vào những người có tầm ảnh hưởng (influencer) và KOL. Với sức ảnh hưởng lớn, họ tác động khá nhiều đến quyết định mua hàng của người dùng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau, kể cả công nghiệp nặng đã chuyển sang bán hàng qua livestream. Theo hãng nghiên cứu iiMedia, thị trường livestream ước tính sẽ đạt giá trị hơn 137 tỷ USD trong năm 2020.

Maib và công ty marketing của anh không phải cái tên duy nhất gặp khó khi thuê các KOL. Dù số tiền bỏ ra khác nhau tùy sản phẩm và độ nổi của KOL, phí cố định để thuê các KOL nổi tiếng như Li Jiaqi hay Viya thường là 14.000-42.000 USD, thêm tỉ lệ ăn chia dựa trên doanh số thường là 20-30%.

"Nếu một thương hiệu không bán được nhiều hàng, hoặc bán giá quá rẻ, đương nhiên họ sẽ lỗ (ngay cả khi thuê các influencer thuộc hàng top)", Zhang Yi, giám đốc điều hành và phân tích của iiMedia chia sẻ.

{keywords}
Số tiền để thuê Li Jiaqi hay "nữ hoàng livestream" Viya (ảnh) thường lên đến hàng chục nghìn USD. Ảnh: Jing Daily.

Đối với khách hàng, giảm giá càng nhiều là một trong những lý do chọn mua hàng được quảng cáo bởi các influencer ưa thích của họ.

"Thấy Li Jiaqi quảng cáo cà phê latte giảm cân với giá 5,5 USD cho 5 cốc, tôi đã đặt mua vì giá ngoài siêu thị là 2,3 USD mỗi cốc", Maggie Li - một trong những người theo dõi Li Jiaqi trên mạng xã hội chia sẻ.

Đối với Li, việc xem livestream bán hàng đã trở thành thói quen. Nó giúp cô tiết kiệm thời gian, công sức vì có thể mua các sản phẩm cần thiết cho gia đình mà không cần ra siêu thị.

Tất nhiên cái gì cũng có 2 mặt. "Bạn sẽ mua đồ một cách vô tội vạ", Li thừa nhận. "Có ngày tôi hốt hoảng vì trả quá nhiều tiền cho 20 đơn hàng đặt trên livestream chỉ trong một đêm".

Một số người dẫn chương trình livestream đồng ý với quan điểm của Li.

"Vì tưởng rằng sản phẩm quá rẻ, người ta sẽ đổ xô mua chúng khi thấy người khác mua. Tuy nhiên khi mua xong, họ mới nhận ra chúng không thực sự cần thiết", Yin Ran, streamer 25 tuổi sống ở Thượng Hải chia sẻ.

Một ngày, Yin thường livestream trong 6-8 giờ. Cô cho rằng sản phẩm mua trong các buổi livestream có tỷ lệ trả hàng khá cao, từ 30-50% theo kinh nghiệm của cô.

{keywords}
Thị trường livestream ước tính sẽ đạt giá trị hơn 137 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: EPA-EFE.

"Đừng livestream quá nhiều"

Lưu lượng truy cập các video livestream tăng cao cho thấy nhiều công ty đang nhảy vào lĩnh vực này. Theo iiMedia, tổng lượt xem livestream của 8 streamer hàng đầu trên Taobao Live (thuộc Alibaba) đã vượt qua 10 triệu cho mỗi người trong tháng 3 và tháng 4.

Viya, thường được gọi là nữ hoàng livestream Trung Quốc, có hơn 168 triệu lượt xem trên kênh của cô, còn Li Jiaqi là 134 triệu.

"Các thương hiệu sử dụng livestream để tăng doanh số, tăng lượt xem trong ngắn hạn và tăng nhận diện thương hiệu về lâu dài. Do đó, vấn đề có thể không phải lời hay lỗ mà là kế hoạch xây dựng thương hiệu dài hạn", Chen Tao, nhà phân tích của Analysys chia sẻ.

Theo Maib, hợp tác với KOL trên livestream cũng có thể khiến khách hàng truy cập website của thương hiệu rồi mua trên đó với giá gốc.

Trong 30 ngày qua, gian hàng của Maib trên Tmall bán được rất nhiều hàng. Anh cho rằng các thương hiệu không nên livestream quá nhiều với KOL vì người xem sẽ quen với giá sản phẩm được giảm, sẽ không mua nếu nhìn thấy giá gốc bán ở ngoài.

{keywords}
Các trang thương mại điện tử như Taobao còn mở kênh livestream riêng, bán mọi thứ từ đồng hồ, túi xách đến đồ chơi trẻ em. Ảnh: Handout.

"Chiến trườnng giá sẽ khiến các thương hiệu không muốn giảm giá sản phẩm nữa vì điều đó ảnh hưởng đến doanh thu của họ", theo Zhang từ iiMedia.

Dù không phải lúc nào thuê KOL bán hàng cũng mang đến lợi nhuận, Chen cho rằng sử dụng KOL và tiếp thị thương hiệu thông qua livestream có thể hiệu quả hơn so với cùng một số tiền bỏ ra để quảng bá trên truyền hình hoặc báo chí.

"Trước đây, giá sản phẩm thường có thêm chi phí bán hàng, thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng và quảng cáo nhưng bây giờ, một số chúng được chuyển sang phí sản xuất livestream", Chen nhận định.

"Hoàn toàn có khả năng kiếm lời (nếu hợp tác với KOL), nhưng hãy cẩn thận khi chọn gương mặt, và chi phí bỏ ra để thuê họ nếu không muốn ảnh hưởng đếu cấu trúc giá bán về lâu dài".

(Theo Zing)