Ngày 14/05/2018 Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Luật quản lý ngoại thương và các Nghị định quy định chi tiết thi hành, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thực hiện.

Chuỗi tuyên tuyền, phổ biến nội dung văn bản pháp luật mới

Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi kế hoạch phổ biến, tuyên truyền nội dung của các văn bản pháp luật trên tại khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, sẽ được Tổng cục Hải quan tổ chức trong tháng 5/2018. Tham gia các hội nghị phổ biến là CBCC hải quan thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục; đại diện các DN XNK trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh: Luật Quản lý ngoại thương là văn bản quy phạm pháp luật sâu, rộng có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý hải quan. Để triển khai Luật, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó, một số Nghị định đã được ban hành, hiện còn một Nghị định (Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương, thay thế Nghị định 187/2013/NĐ-CP) đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ.

{keywords}
 

Bên cạnh đó, ngày 20/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP, ngoài việc hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hải quan, Nghị định 59/2018/NĐ-CP còn có nhiều nội dung mới được xây dựng dựa trên những nghiên cứu áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng quản lý hải quan, phù hợp quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, trên cơ sở Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan được giao xây dựng hai thông tư hướng dẫn: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK để tương ứng với nội dung thay đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP cũng như khắc phục những bất cập trong thời gian triển khai Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Các văn bản trên đều là cơ sở pháp lý cơ bản cho công chức hải quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi có sự thay đổi lớn, đặc biệt trong cách thức quản lý, xử lý thông tin liên quan đến DN, liên quan đối tác cùng thực hiện thủ tục hải quan; hay tại thông tư mới về xuất xứ có nhiều điểm mới liên quan đến xác định xuất xứ hàng hóa; kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa XK, NK…

Chính vì vậy, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung nghiên cứu và kịp thời phản ánh những vấn đề vướng mắc để được giải đáp kịp thời. Qua đó, đảm bảo khi các văn bản có hiệu lực thi hành, công tác quản lý hải quan được thực hiện chặt chẽ những vẫn tạo thuận lợi tối đa cho môi trường thương mại như yêu cầu tại Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Trong khuôn khổ 3 ngày diễn ra hội nghị dành cho CBCC, DN XNK khu vực phía Bắc, đại diện Bộ Công Thương đã giới thiệu nội dung của Luật Quản lý ngoại thương; nội dung của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương (thay thế Nghị định 187/2013/NĐ-CP); Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại; Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa.

Đại diện Tổng cục Hải quan giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP; dự thảo Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa XK, NK; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Giải đáp những vướng mắc có thể phát sinh

Tại các hội nghị này, những vướng mắc phát sinh, hoặc có thể phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên sẽ được đại diện Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan giải đáp cụ thể.

Chẳng hạn, tại buổi đầu tiên diễn ra hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan đã kiến nghị một số nội dung như: Bộ Công Thương cần đôn đốc các bộ, ngành ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS, tránh để xảy ra tình trạng chậm trễ  như trong thời gian thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP.

Hay việc cần có chính sách quản lý đối với máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin. Hiện mặt hàng này không thuộc Danh mục hàng cấm NK, tạm ngừng NK hoặc NK phải có giấy phép. Tuy nhiên tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; việc phát hành, cung ứng và sử dụng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến quản lý hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất được các đại biểu đề cập tại hội nghị cũng được thảo luận, làm rõ.

H.N