Liên quan đến việc nhận diện shipper, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi Công an thành phố; Bộ Tư lệnh thành phố; UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo đó, đối với shipper của các đơn vị có quản lý bằng ứng dụng công nghệ, đặc điểm nhận dạng thông qua một số hình thức, cụ thể:

Nhận diện thông thường: đồng phục, thùng hàng, nón bảo hiểm, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper thông qua mã QR Code (hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ, công ty, nơi cư trú của shipper, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển).

{keywords}
Thẻ nhận diện shipper và băng đô quấn tay khi ra đường

Đồng thời, bộ thông tin nhận diện của các đơn vị có trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương gồm các thông tin: tên công ty; thông tin người liên hệ; số điện thoại người liên hệ; hình ảnh nhận diện (đồng phục, nón, thùng hàng - túi hàng, thẻ nhân viên, băng đô đeo tay).

Khi cần truy xuất kiểm tra và xác thực thông tin, các lực lượng chức năng chỉ cần yêu cầu cầu shipper gửi thông tin số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân; sau đó vào banner “Tra cứu thông tin Shipper” trên cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương TP và gõ số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của shipper đó. Thông tin của shipper và đại diện của đơn vị cung cấp dịch vụ shipper tương ứng sẽ hiển thị đầy đủ.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn gửi tin nhắn xác nhận hàng ngày cho từng shipper với nội dung: “De bao ve suc khoe cua ban than va cong dong, SCT TP.HCM de nghi cac Anh Chi shipper thuc hien nghiem nguyen tac 5K cua Bo Y te; khu khuan ngay khi nhan hang va truoc khi giao hang. Chuc cac Anh Chi mot ngay lam viec hieu qua va an toan”.

{keywords}
Tin nhắn hàng ngày của Sở Công Thương TP.HCM

Đối với shipper của các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm,... ) đặc điểm nhận dạng sẽ có: thẻ đeo cứng có hình của nhân viên và giấy xác nhận của đơn vị, doanh nghiệp cho từng nhân viên. Ngoài ra các thông tin khác cũng được tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương, tương tự như đội ngũ shipper được quản lý bằng công nghệ.

Hỗ trợ tiền các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống 

Trong báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết việc tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết HĐND TP. 

Cụ thể, phạm vị áp dụng tại chợ truyền thống theo quy hoạch của thành phố, do UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, bao gồm: chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và chợ được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Đối tượng hỗ trợ là thương nhân tại chợ truyền thống, các đối tượng này có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp kios, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ, có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế với nhà nước. 

Trong trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh đã được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh dừng hoạt động thì không áp dụng quy định này.

Mức hỗ trợ như sau: 

Chợ hạng 1: 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng

Chợ hạng 2: 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng

Chợ hạng 3: 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng

Thời gian hỗ trợ dự kiến trong vòng 6 tháng, từ tháng 7-12/2021.

Quảng Định

Những chàng trai trẻ, 'tay xách nách mang' lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ

Những chàng trai trẻ, 'tay xách nách mang' lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ

Tài xế xe công nghệ đang góp phần không nhỏ mang bữa cơm tới các gia đình tại TP.HCM. Hình ảnh những người đàn ông đi chợ, “tay xách nách mang” thực phẩm vốn lạ lẫm thì nay bỗng phổ biến trên đường phố.