Vỏ của quả cà phê này vốn là thứ vứt đi hoặc ủ làm phân hữu cơ, nay được dùng để sản xuất ra loại trà thơm lâu, ngọt dịu.

{keywords}
Chỉ hái những quả cà phê chín đỏ

Nguồn gốc của loại trà này chính là nước Ethiopia, nơi con người lần đầu biết đến cà phê. Vỏ quả cà phê được họ sấy khô, pha chế thành loại nước giải khát có tên là Geshir. Sau đó, người Nhật cũng sản xuất trà từ vỏ cà phê, đặt tên là Cascara và Starbucks đã đưa loại trà này vào kinh doanh. Thời gian gần đây, một số cơ sở chế biến trà, cà phê ở TP Đà Lạt đã chế biến được loại trà này

Về hình thức, Cascara chẳng giống trà chút nào khi có hình dáng như quả nho khô, màu nâu đen. Tuy bề ngoài sần sùi, nhưng sau khi pha chế lại cho ra loại nước uống thú vị giao thoa giữa trà và cà phê với màu hổ phách khá bắt mắt. Nhấp ngụm trà Cascara, cảm nhận đầu tiên là hương thơm quyến rũ, còn vị thì vừa hơi ngọt và chát của trà vừa có vị hơi chua đặc trưng của cà phê Arabica. Loại trà này rất phù hợp người thích uống cà phê mà sợ say bởi lượng caffein trong Cascara chỉ dừng lại ở 111.4 mg/lít, thấp hơn hẳn so với cà phê (từ 400-800mg/lít).

Ma mị trà từ vỏ cà phê Arabica ảnh 1
Nước trà Cascara có màu hổ phách

Kỳ công chế biến

Các công đoạn chế biến đều được làm theo phương thức thủ công để có được thức uống thơm ngon đúng vị. Doanh nhân trẻ Nguyễn Song Vũ, chủ thương hiệu Cascara Song Vũ Cầu Đất cho biết, trước tiên phải thu hái bằng tay từng quả cà phê chín đỏ vào đầu giờ buổi sáng, sau đó rửa sạch, để cho ráo nước rồi tách lấy vỏ. Phải sử dụng phương thức tách khô để giữ toàn bộ phần thịt vỏ với hương vị nguyên bản nhất cũng như chất dinh dưỡng và caffein.

“Khâu phơi vỏ cà phê cũng rất quan trọng. Trong 48 giờ đầu tiên, phải canh thời tiết sao cho luôn có nắng ban ngày, còn ban đêm nên sử dụng máy sấy để vỏ cà phê không bị mốc, lên men. Sau đó, phơi tiếp 3-4 ngày nữa và phải đảo trộn thường xuyên để vỏ cà phê khô, giòn đều”, một kỹ thuật viên chia sẻ rồi cho biết thêm: Ngoài quy trình chế biến trà Cascara “mộc” nguyên chất nói trên, có thể phối trộn, ủ vỏ cà phê với một ít hương liệu thiên nhiên như mật ong, cỏ ngọt, vỏ cam... để cho ra dòng sản phẩm với hương vị đậm đà hơn. Kết quả qua phân tích một số sản phẩm trà Cascara ở Đà Lạt có chứa nhiều thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe như chống ô xy hóa, tăng cường các vitamin...

Theo các chuyên gia ngành trà, không phải vỏ của loại cà phê nào cũng có thể sử dụng làm Cascara. Ở Việt Nam, hiện chỉ có vỏ cà phê Arabica được trồng tại các xã Trạm Hành, Xuân Trường (TP Đà Lạt) và vùng lân cận (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là thích hợp để chế biến loại trà này. Với diện tích hơn 5.000 ha, sản lượng hàng năm trên 100 ngàn tấn cà phê tươi, có thể chế biến hàng ngàn tấn Cascara mỗi năm.

Ðược trồng ở vùng có độ cao lý tưởng (trên 1.500m), đất đai màu mỡ, sương mù bao phủ quanh năm nên cà phê Arabica Ðà Lạt không chỉ có hương vanilla rất thơm và vị trái cây chua nhẹ mà còn đọng lại dư vị ngọt hậu. Nhờ vậy trà làm từ vỏ cà phê này cũng có hương vị lạ, được nhiều người ưa chuộng.

(Theo Tiền Phong)

Nông dân 'khóc ròng' vì cà phê… được mùa, được giá

Nông dân 'khóc ròng' vì cà phê… được mùa, được giá

Khi cây cà phê Arabica ở Điện Biên đang được mùa, được giá và có những tín hiệu ổn định đầu ra nhưng nhiều nông dân lại đang “khóc ròng” tiếc nuối.