Vấn đề đáng lo ngại nhất, theo các chuyên gia trong ngành, là một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì lại đứng ngoài cuộc thờ ơ và chờ đợi, thấy dễ thì làm và khó thì bỏ.

Thu nhập vượt 10.000 USD/người, Trung Quốc không còn dễ tính

Chia sẻ về vấn đề chuyển hướng xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, tại tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” tổ chức 14/11, bà Mai Thị Ánh Tuyết - ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, cho biết, trước đây chúng ta cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính,nhưng qua vấn đề Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thì đây là cảnh báo, không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác đều đặt ra.

Theo bà Tuyết, Trung Quốc là thị trường có sự chênh nhiều giữa thu nhập của người dân, duyên hải Trung Quốc thu nhập cao. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới đáp ứng thị trường cấp thấp. Thế nên, khi Trung Quốc nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, chúng ta bị tác động ngay. Bằng chứng, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm từ 2018 đến nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng, khi họ đã vượt ngưỡng thu nhập 10.000 USD/người, đừng nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam.

{keywords}
Trung Quốc tăng cường siết tiểu ngạch, tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch ngày càng khắt khe

Ông Kiên lưu ý việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, chẳng qua chúng ta không chủ động nghiên cứu từ trước. Đến khi họ áp dụng chúng ta mới hốt hoảng, kêu rằng họ gây khó khăn - như vậy không phải, đây là xu thế tất yếu của việc phát triển của một nền kinh tế.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Hoà nhận xét, Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn. 

Song, ông cũng thừa nhận tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc ngày càng khắt khe. Vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu, từ giám sát mối nguy chế biến, đưa ra sản phẩm cuối cùng, với quy trình như với các nước phát triển Mỹ và EU.

Theo ông Hoà, không chỉ áp dụng với sản phẩm thực vật, mà các sản phẩm có nguồn gốc thực vật,... Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ.

Phải làm chuỗi liên kết, đừng thấy khó thì bỏ qua

Đề cập đến việc Trung Quốc siết chặt hàng nhập khẩu tác động đến Việt Nam, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, về tư tưởng nhận thức đang chia thành hai luồng: Thứ nhất là doanh nghiệp, HTX, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất,... xem đây là cơ hội và thách thức. Nếu chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh cũng tăng lên.

Một số đơn vị còn cho đây là tin vui, vì Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam 1.309 mã vùng về cây trồng ở 32 tỉnh, 1.435 mã số đối với các cơ sở đóng gói trên các loại rau, quả mà nước này đã chấp nhận, như vậy có sự giao dịch, tin cậy lẫn nhau. Đây là cơ hội để các đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.

“Nhưng, đối trọng thứ hai là một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì thờ ơ và chờ đợi, đứng nhìn xem ra sao, khi tốt mới thực hiện. Chắc chắn một bộ phận nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của chuỗi giá trị ấy, có nghĩa là dễ thì làm và khó thì bỏ”, ông nhận định.

{keywords}
Các chuyên gia cho rằng muốn xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải xây dựng chuỗi liên kết, còn không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ở thị trường 1,4 tỷ dân này

Sự siết chặt của thị trường Trung Quốc giúp ta tổ chức lại và liên kết sản xuất, hình thành chuỗi. Đó là sân chơi của nông nghiệp mới, là những doanh nghiệp, chủ trang trại, những nông dân sản xuất giỏi và HTX. Còn với những nông hộ sản xuất nhỏ thì gần như đã đứng ngoài lề sự phát triển, dẫn đến tổ chức liên kết cũng chưa trọn vẹn.

Ngoài ra, việc này còn tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đến đối tượng chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn.

Do đó, ông Thuỷ cho rằng, đứng trước sự thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc, chúng ta phải xây dựng được chuỗi liên kết, khi ấy mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới, trong đó có Trung Quốc. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt.

Theo ông Thuỷ, việc kêu gọi người nông dân hãy yêu sản phẩm của mình đã là quá khứ. Bây giờ, người nông dân phải làm thị trường, còn dẫn dắt và khai phá thị trường phải là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cho nên, cần sớm giải quyết vấn đề đất đai, bởi tiêu chuẩn đầu tiên để có sản phẩm xuất sang Trung Quốc, để được cấp mã vùng là chúng ta phải sản xuất trên một diện tích lớn, từ 10ha thay vì cách làm manh mún, nhỏ lẻ như lâu nay.

Là ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Đức Kiên cho hay tỉnh này có tôm, cá tra, gạo xuất khẩu. Không một người nông dân nào trong tỉnh có thể trực tiếp xuất khẩu được 3 mặt hàng này mà phải tham gia vào chuỗi liên kết, đứng đầu là doanh nghiệp chế biến, thì mới có thể xuất khẩu được.

“Chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới để có những thay đổi. Những thay đổi này tôi phải nói thẳng thắn là rất đau, vì thị trường sẽ đào thải một loạt nông dân thờ ơ với sản xuất, không có ý chí vươn lên. Tương lai sẽ có một bộ phận nông dân phải chấp nhận đi làm thuê cho các cơ sở công nghiệp”, ông Kiên chia sẻ.

Tâm An