Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tình hình buôn lậu, hàng giả ngày càng nhức nhối với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là đang trong giai đoạn dịch COVID-19 tạm được kiểm soát ở Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý gần 138.400 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 15.700 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái), qua đó khởi tố 1.497 vụ, với 1.800 đối tượng.

“Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, quần áo, đồ chơi, hàng điện tử... Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy vẫn phức tạp, tập trung chủ yếu ở Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên… Các đối tượng buôn lậu manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện", ông Thế cho hay.

{keywords}
Kho hàng lậu ở Lào Cai rộng hơn 10.000m2, tồn tại hơn 2 năm trước khi bị triệt phá giữa tháng 7/2020

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Thế, chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, hạn chế, khó khăn về điều kiện phương tiện, trang thiết bị. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng là vai trò chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, địa phương chưa được thường xuyên, chưa quyết liệt, phối hợp chưa đồng bộ.

Ông Thế thẳng thắn nêu ra thực trạng một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sỹ tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bị xử lý, kỷ luật. Bên cạnh đó, một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong đấu tranh, còn để xảy ra một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gây bức xúc trong dư luận.

Trả lời phóng viên cụ thể có bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ tiếp tay cho buôn lậu từ đầu năm tới nay, thuộc lực lượng nào, vụ việc nào, ông Thế nói rằng, vụ để kho 10.000m2 chứa hàng bất hợp pháp tồn tại ở Lào Cai gần 2 năm như vậy mà lực lượng chức năng ở địa phương, chủ yếu là Quản lý thị trường không hay biết. “Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xử lý trách nhiệm cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Vụ việc vẫn đang được xác minh, làm rõ, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân. Chúng tôi đang đeo bám, sẽ thông báo kết quả cuối cùng tới báo chí”, ông nói.

Chia sẻ thêm về vụ việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ. Việc đầu tư các trang thiết bị livestream cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.

Gần 100 xe hàng hóa không có người nhận

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết thêm, Cục đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm tra gần 100 ô tô tải hạng nặng chở hàng không có người nhận tại khu vực cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai. Gần 100 xe hàng hóa đều trong tình trạng chưa có người nhận, chưa mở tờ khai hải quan dù đã quá thời hạn phải làm thủ tục. Hiện nay, số lượng hàng hóa chưa được thống kê cụ thể, bởi sẽ mất rất nhiều thời gian kiểm đếm toàn bộ số hàng hóa trên gần 100 xe này.

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, một số doanh nghiệp có đơn trình bày do gửi nhầm hàng nên đề nghị được đưa hàng quay về Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh tiền lệ xấu, cần kiểm tra tất cả các xe hàng này theo thông lệ quốc tế và xử lý theo pháp luật Việt Nam. “Hàng vi phạm chủ yếu là quần áo đã qua sử dụng, đông dược, thuốc bắc, thuốc trừ sâu. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, quản lý chờ kết quả giám định”, ông Hùng Anh nói.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả cuối năm, ông Thế cho biết, đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt kế hoạch 399 ngày 10/10 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như: xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh cũ, dược phẩm, thực phẩm chức năng... 

"Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ”, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

(Theo Tiền Phong)