{keywords}
{keywords}

Ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang nước này.

Để đạt được kết quả trên, Bộ NN-PTNT mất hơn 3 năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân về điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Mỹ; thực hiện nhiều cuộc đàm phán, đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn Việt Nam.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thông tin, Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014) được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ban hành 3/2016 với 18 tháng chuyển tiếp có hiệu lực từ 1/9/2017.

{keywords}

Theo đó, để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Mỹ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Hoa Kỳ về 3 nhóm tiêu chí gồm: Hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, ATTP; Năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; Điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ.

Thế nên, ngoài hoàn thiện những điều kiện trên, Bộ NN-PTNT còn hoàn tất hồ sơ đăng ký, chủ trì cùng các bộ ngành đàm phán với phía Hoa Kỳ để công nhận tương đương về hệ thống pháp luật vào tháng 2/2018.

Tháng 5/2018, 5 chuyên gia của Đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra ATTP (FSIS) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang đánh giá thực địa và ghi nhận việc thực thi hệ thống kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn Việt nam hoàn toàn đáp ứng các quy định của Hoa kỳ. Đến tháng 9/2018, FSIS đã công bố dự thảo công nhận hệ thống của Việt Nam để xin ý kiến công chúng.

Kết quả ý kiến ủng hộ của công chúng đối với Việt Nam đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%).

{keywords}

“Hệ thống kiểm soát ATTP của Mỹ là hệ thống khắt khe nhất thế giới, thậm chí chúng tôi còn đánh giá khắt khe hơn cả khối châu Âu. Nhưng, cuối cùng Mỹ cũng đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam tương đương với họ”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Mỹ là thị trường lớn, khó tính nhất về ATTP. Việc được Mỹ công nhận tương đương là điều kiện quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhiều hơn.

ÔngTiến khẳng định, để ngành sản xuất cá tra theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến được như hôm nay không phải đơn giản, nhưng chúng ta đã làm được. Chúng ta đã đạt tương đương với các nước tiên tiến. Và Bộ tin tưởng ngành hàng này sánh ngang với cường quốc.

{keywords}

Phân tích rõ những cơ hội mở ra tại thị trường Mỹ cho xuất khẩu cá tra, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã được bổ sung thêm doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 DN) và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu Mỹ.

Sắp tới sẽ có 4 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0%. Việc này sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.

“Đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tiệp cũng cho biết, Mỹ nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam, trong khi lượng cá tra của Trung Quốc và Thái Lan xuất khẩu vào Mỹ chưa nhiều. Lợi thế đáng chú ý nữa là cá tra Việt Nam thịt trắng, hương vị thơm, ít xương nên được Mỹ ưa chuộng.

{keywords}

Chia sẻ về thế mạnh tỷ USD này của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành cá tra với diện tích khoảng 5.000 ha, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

Theo thống kê, cá tra Việt Nam đang giữ ngôi vương thế giới cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Sản lượng cá tra Việt Nam là 1,3 triệu tấn, trongkhi Ấn Độ có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.

Song, Bộ trưởng Cường thừa nhận, ngành cá tra Việt Nam vẫn còn một số điểm chưa yên tâm, đó là một số khâu còn yếu, liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, tính cạnh tranh chưa cao,... Do đó, yêu cầu các địa phương phát triển mặt hàng cá tra cần xem khâu giống là khâu “yết hầu”.

Cùng với đó, phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng công nghê tiến tiến, giá tăng giá trị,... tận dụng tốt lợi thế từ việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, với ngành cá tra, hệ thống nhà máy kiểm soát của Việt Nam đã được Mỹ công nhận nên chúng ta tự tin là năng lực đi trước so với các nước khác rất nhiều.

Thời gian qua, toàn ngành thủy sản đã tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng. Hiện Việt Nam có gần 100 sản phẩm chế biến từ cá tra. Chúng ta đã chủ động đi trước một bước, tránh bị cạnh tranh bởi các sản phẩm thông thường, ông Luân cho hay.

Thực tế, những năm gần đây, người sản xuất cá tra và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng đi khác hơn đối với sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, đó là sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn ASC của châu Âu và các tiêu chuẩn của thị trường khó tính khác.

Anh Nguyễn Thanh TuấnởTân Hòa (Thanh Bình, ĐồngTháp) là một điển hình trong thay đổi hướng sản xuất cá tra, hướng đến sản xuất sạch để nâng cao giá trị cá tra. 

Dù nuôi cá tra theo quy trình sạch sẽ vất vả và gặp nhiều khó khăn hơn, song nhận thấy người dân ngày càng chú trọng đến an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch nên anh đã mạnh dạn đầu tư 6,3 ha nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu được là 1.000 tấn/năm.

Tương xứng với công chăm sóc cá tra sạch, những con cá này của anh Tuấn được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn cá tra nuôi thông thường 1.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Đình Luân, khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đều thống nhất chiến lược chuyển sang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra sạch, đây chính là một cách quảng bá hữu hiệu cho ngành cá tra Việt Nam trước người tiêu dùng thế giới. Đồng thời, người sản xuất cá tra sạch và doanh nghiệp có sự liên kết chuỗi chặt chẽ sẽ tạo cho các bên đều có lợi nhuận.

Bảo Hân

Thiết kế: Võ Tú Uyên