Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông phản ánh, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng lợn bệnh chết để người dân tự tiêu hủy, rồi vứt xác lợn chết trôi đầy sông, gây ra mùi hôi thối khó chịu.

Ngày 20/4/2019, chính quyền và các cơ quan liên quan của thành phố Hải Phòng đã thu gom chôn hủy gần 300 xác lợn chết trôi trên sông; ngày 25/4/2019, các cơ quan của thành phố Hải Phòng tiếp tục phát hiện, thu gom và chôn hủy 25 xác lợn tại dọc tuyến sông Hóa (khu vực cầu phao sông Hóa và cầu ông Khởi).

Hay như mới đây, trên kênh N3 tại kè Gia Tư, xã Hoàng An (Hiệp Hòa, Bắc Giang) - điểm giao của kênh mương với huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cũng xảy ra tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra kênh mương, nhiều con trôi dạt.

{keywords}
Lợn bệnh chết được vứt trôi đầy sông gây ô nhiễm môi trường và khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn

Qua kiểm tra và xử lý, nhiều xác lợn đã chuyển màu vàng, phần lớn đã bị phân hủy bốc mùi, không xác định được nguyên dạng, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh.

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, nhiều địa phương đã làm rất tốt. Song, có nhiều địa phương làm không tốt.

Cụ thể, khi phát hiện dịch xử lý không kịp thời, hoặc có phát hiện dịch rồi nhưng không công bố ngay. Trong một tư duy để tiêu thụ cho vãn đi, giảm áp lực thì đấy chính là nguồn lây lan, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông, ở Thanh Hóa, đoàn công tác vào tận nơi thấy xử lý nhanh, chôn rất đúng quy định. Đây là tỉnh làm tốt vì với địa bàn rộng như Thanh Hoá, chăn nuôi số lượng lợn cực lớn như thế mà chỉ có 4.000 con lợn mặc bệnh phải tiêu hủy.

Trong khi đó, một số địa phương lợn chết do mắc bệnh xử lý không kịp thời, để lợn chết bốc mùi thối trong chuồng trại. Ở Bắc Giang đi kiểm tra để lợn chết trôi sông, vớt được 395 xác lợn.

“Hôm qua tôi trực tiếp đi kiểm tra ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), không hẳn là của Hiệp Hoà mà của Phú Bình (Thái Nguyên) cũng có xác lợn chết trôi về. Mình nhìn thấy các bao tải trôi về”. Theo ông, với đặc điểm bệnh dịch tễ của dịch tả lợn châu Phi thì rất nguy hiểm, không vắc xin, không thuốc chữa, tồn tại trong môi trường như ở nhiệt độ 56 độ C thì virus phải 70 phút mới chết, nhiệt độ 70 độ C thì phải 20 phút virus mới chết. Còn 100 độ thì 10 phút virus mới chết.

{keywords}
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết công an sẽ vào cuộc điều tra vụ xác lợn chết vứt trôi sông

Đường lây truyền hết sức phức tạp, kể cả vận chuyển giết mổ, kể cả bày bán, quần áo dụng cụ, động vật, vật chung gian,... Cho nên, trong thời gian tới cần xử lý điển hình một số vụ làm gương và đi vào chiều sâu với biện pháp quyết liệt hơn, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, sắp tới sẽ có các lực lượng chức năng, ví dụ như công an, quân đội tham gia vào công tác phòng chống dịch và xử lý vi phạm. Thêm nữa, Bộ Công an sẽ tham gia điều tra xử lý một số vụ để làm gương và có tính răn đe.

Còn vấn đề các địa phương có tình trạng lơ là trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, địa phương lơ là thì ủy ban các cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

“Như vụ 395 xác lợn vứt trên sông, khi về Bộ đã ký ngay một văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng 'chống dịch như chống giặc'. Hôm qua, tôi đã đề nghị chủ tịch tỉnh Bắc Giang, chủ tịch tỉnh Thái Nguyên rà soát xem lợn chết trôi sông thuộc địa bàn xã nào để xử lý”, ông Tiến nói.

Liên quan đến vấn đề xác lợn chết xuất hiện đầy kênh mương tại địa phận của tỉnh Bắc Giang, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này, thanh minh, phía Sở thường xuyên chỉ đạo nhưng vì lực lượng cán bộ thú y mỏng và tỉnh đã sáp nhập tổ chức nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động người tham gia công tác phòng, chống bệnh dịch.

Theo ông Tùng, Bắc Giang, các huyện cũng đã nhiều lần đề xuất tỉnh Thái Nguyên phối hợp xử lý hiện tượng người dân vứt xác lợn chết ra kênh mương nhưng vì là điểm giáp ranh nên vẫn không hiệu quả.

Trước đó, để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp huy động lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, quân đội, công an, dân quân, các tổ chức đoàn thể,... ) tổ chức phát hiện, kịp thời tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; chấm dứt ngay tình trạng nêu trên.

Đồng thời, giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi bị bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Bảo Phương