Thời gian qua, người dân ở HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã có nhiều cố gắng trong việc thay đổi tập quán canh tác và tư duy trong sản xuất.

{keywords}
Xoài ở HTX Xoài Mỹ Xương được người dân trồng đảm bảo chất lượng (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Do sản xuất theo quy trình an toàn nên xoài của HTX này rất ngon, đảm bảo chất lượng, được người dân trong và ngoài nước biết đến, đánh giá cao.

Qua bao cố gắng, đến năm 2017, HTX xoài Mỹ Xương được cấp 3 mã số vùng trồng (một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; yêu cầu đầu tiên để có thể xuất khẩu ra nước ngoài), khẳng định sản phẩm của HTX có nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, mới đây, người dân bất ngờ hay tin, một số lô hàng xuất sang Trung Quốc bị ngành chức năng quốc gia này giữ lại vì không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Trên những lô hàng xoài này có dán 2 mã vùng trồng xuất phát từ HTX xoài Mỹ Xương.

Liên quan đến vụ việc trên, theo HTX xoài Mỹ Xương, thời gian xảy ra vụ việc trên, HTX không có sản lượng xoài nào xuất đi.

{keywords}
Sản phẩm xoài xuất khẩu của HTX Xoài Mỹ Xương

Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, phía HTX không có đối tác phía Trung Quốc và chưa xuất khẩu xoài đi nước này bao giờ. Hiện HTX rất lo ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, người dân trong HTX rất phẫn nộ vì làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mà người dân đã cố gắng xây dựng trong thời gian dài vừa qua, nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra thì rất thiệt thòi cho nông dân.

"Vụ việc đang được ngành chức năng tỉnh hỗ trợ giải quyết. Rất mong tình trạng này sẽ không còn" - ông Hưng thông tin.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho hay, việc quản lý mã vùng trồng trong thời gian qua chưa được chặt chẽ. Do đó, phía Chi cục đã tham mưu cho Sở NNPTNT có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT sớm ban hành hướng dẫn để quản lý mã vùng trồng.

Đồng thời, đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin từ nhà vườn để biết được trong khoảng thời gian nào lượng hàng hóa ra thị trường là bao nhiêu và ở đâu, dễ xác định được sản phẩm đó có phải do mình sản xuất hay không.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi khẩu sang thị trường Trung Quốc, 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu, vùng trồng trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính.

(Theo Dân Việt)