(VEF.VN) - "Trong bối cảnh khó khăn, muốn mạnh hơn thì doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại. Doanh nghiệp có sức cạnh tranh thì nền kinh tế sẽ có sức cạnh tranh", Thủ tướng chia sẻ cùng các doanh nghiệp Việt Nam chiều ngày 13/10.

Chiều 13/10, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chúc mừng 50 doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong TOP 200 doanh nghiệp đạt giải Sao Vàng đất Việt năm 2011.

Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng bày tỏ: "Đội ngũ doanh nhân đã trực tiếp đương đầu với những khó khăn rất lớn như bất ổn kinh tế vĩ mô, giá cả tăng cao, tỷ giá vừa qua. Trong khó khăn đó, các doanh nhân đã phấn đấu nỗ lực, tự mình trụ vững được và nhờ đó, đã đóng góp lớn vào thành công chung của đất nước."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò trụ cột trong nền kinh tế của
các doanh nhân Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền)

Thành công chung đó chính là những tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng qua. Bước đầu, lạm phát đã có xu hướng giảm và dự báo tháng 10 có thể thấp hơn tháng 9, bội chi ngân sách giảm từ 5,3% GDP xuống 4,9% GDP, nhập siêu cũng giảm chỉ còn bằng 10% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, giúp cho cán cân thanh toán được cải thiện. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế (GDP) vẫn duy trì hợp lý, quý sau luôn cao hơn quý trước.

"Tôi chia sẻ với các doanh nghiệp, sức ta yếu nhưng trong điều kiện hội nhập, môi trường cạnh tranh mà doanh nghiệp ta vẫn vượt qua để trụ vững. Sức tăng trưởng của nền kinh tế dự báo cả năm nay đạt 6% là một cố gắng lớn của cả nước, trong đó, trực tiếp là sự cố gắng tự thân cùa chính các doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bày tỏ về phương hướng phấn đấu trong thời gian tới, Thủ tướng cũng chỉ ra điểm hạn chế lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam là năng lực cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động tổng hợp còn thấp. Muốn cải thiện điều này để mạnh lên, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực sáng tạo hơn, tái cơ cấu lại chính mình, gia tăng hàm lượng giá trị trong sản phẩm, sử dụng công nghệ hiện đại, ít tiêu hao năng lượng... để từ đó, nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, trình độ quản trị của doanh nghiệp cũng cần được nâng cao.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
có cuộc gặp 50 doanh nhân tiêu biểu (ảnh: Phạm Huyền)


Thủ tướng phân tích: "Doanh nghiệp có sức cạnh tranh thì sản phẩm, thương hiệu mới có sức cạnh tranh và từ đó nền kinh tế mới có sức cạnh tranh. Một quốc gia thịnh vượng phải là quốc gia có nền kinh tế mạnh. Do đó, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp cần mạnh hơn nữa.

Thủ tướng cho rằng, trong hơn 500.000 doanh nghiệp đã thành lập, phải có ít nhất 9000 doanh nghiệp thành viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam là những doanh nghiệp giàu. Đi liền với làm giàu cho bản thân, cho đất nước đó là sự đóng góp tích cực cho an sinh xã hội".

Cùng với động viên doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ của Chính phủ là sẽ tạo mọi điều kiện chính sách, thiết lập một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Trước những lời chia sẻ tâm huyết của Thủ tướng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Công ty gạch Đồng Tâm) đã thay mặt đoàn doanh nghiệp, bày tỏ lời hứa quyết tâm vượt qua khó khăn, cố gắng trụ vững trong khủng hoảng để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chung.

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam trước đó, ông Võ Quốc Thắng cho hay, phong trào doanh nghiệp trẻ Việt Nam sau hơn 16 năm hình thành đến nay đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 9.000 hội viên trên cả 63 tỉnh, thành phố. Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là thực hiện khát vọng vươn lên, làm giàu cho đất nước, góp phần xây dựng các thương hiệu Việt Nam cạnh tranh.

Phạm Huyền