Cách đây chục năm, dân vùng cao huyện Bắc Mê - Hà Giang và những tay “sát cá” đã làm chao đảo giới ăn chơi, bởi liên tục xuất hiện những hình ảnh họ săn được cá chiên khổng lồ.

Đây là loài cá da trơn hung dữ, được mệnh danh là “chúa tể lòng sông”. Miếng thịt nàng nạc, mỡ màng, xắt khúc, thơm ngon, vàng ươm như nghệ được đặt lên bàn phục vụ các đại gia với đủ món. Nó đắt đỏ và hấp dẫn đến mức khiến người ta sẵn sàng lao vào những cuộc săn vét lòng sông, đưa những “thủy quái” lên bàn tiệc, bất chấp cả sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tính mạng nơi dòng nước xiết sông Gâm.

Nhưng những năm gần đây, cá chiên khổng lồ dần thưa bóng. Những người một thời coi việc săn cá chiên là công việc kiếm sống hằng ngày thì nay đã dần “giải nghệ”. Họ quay sang làm một nghề mới yên bình hơn, dễ sống hơn, ấy là đem nhốt loài “thủy quái” sông Gâm vào lồng, nuôi lớn từ khi còn trứng nước. Họ nuôi “thủy quái” như người dưới xuôi nuôi cá rô, cá mè vậy.

{keywords}

Cá chiên - "thủy quái" sông Gâm

Sông Gâm là một trong những dòng chảy quan trọng bậc nhất vùng Đông Bắc, là thủy lộ nối liền 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn. Sông Gâm nổi tiếng không chỉ bởi sự hùng vĩ, ẩn chứa những vẻ đẹp nguyên sơ của chốn “sơn cùng thủy tận”, mà nó còn là nơi cư ngụ của “ngũ quý hà thủy” (cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng, cá bỗng).

Cá chiên - loài cá sống ở vùng nước xiết, đằm mình trong những hang hốc dưới đáy sông, to lớn, lừ đừ trôi như khúc gỗ mục sần sùi vẫn thường được bà con đôi bờ sông Gâm mệnh danh là “thủy quái”. Trước đây, việc đánh bắt cá chiên là một cửa kiếm sống nhưng cũng là một nỗi kinh hoàng của dân chài lưới.

Những con cá chiên khổng lồ, có khi nặng tới 70 - 80kg với cái đầu to lớn, bèn bẹt, đen sẫm, cứng như đá, đã từng được miêu tả như những “quả bom tấn” đen sì, có khi vàng ươm chìm dưới đáy sông, có khi giống như “thây người” nằm sấp trên khoang thuyền lớn khi bị bắt. Thịt cá chiên thơm ngon nổi tiếng, có màu vàng như nghệ, khi xắt khúc, xả thành từng súc thịt nhìn chắc nịch, hấp dẫn.

Đặc biệt, thuở xưa, khi cá chiên chưa là thứ hàng hóa ẩm thực xa xỉ như bây giờ, ở nhiều bản làng dọc sông Lô, sông Gâm, sông Đà, mỗi khi bắt được các cá chiên khổng lồ, bà con vẫn thường mở tiệc khao lớn lắm. Họ xả thịt cá chia cho cả bản, ăn không hết thì làm thịt chua, rồi ướp muối, treo lúc lỉu trên gác bếp.

Một thợ chài ven sông Gâm kể: “Ngày trước, sông Gâm có những con cá chiên to đến mức riêng bộ lòng cá, có khi làm được cả đôi mâm cỗ. Cái dạ dày cá chiên to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Đám thợ săn cá chiên có khi chỉ lấy bộ lòng rủ nhau đánh chén, còn cả thân cá mấy chục cân chia hết cho dân làng”.

{keywords}

Con cá chiên khổng lồ nặng gần nửa tạ mà thợ cá săn được trên dòng sông Gâm.

Cái thời ấy có lẽ đã đi vào dĩ vãng, khi loài cá chiên càng ngày càng hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt tràn lan. Ông Nguyễn Văn Nguyên (tổ 1 - thị trấn Yên Phú - huyện Bắc Mê) trước đây là một tay săn cá điêu luyện.

Trong cuộc đời làm nghề chài lưới của mình, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần người ta bắt được cá chiên khổng lồ, bản thân ông cũng từng tham gia vào những cuộc xẻ thịt cá chiên đầy hứng khởi ấy: “Tôi chỉ đi bắt cá chiên bằng lưới thôi. Khi đã mắc vào lưới rồi, nó giãy nhiều nó sẽ mệt, mình đỡ tốn sức.

Cách đây khoảng 4 - 5 năm, vùng Bắc Mê này có cá chiên khoảng 35 - 40kg là chuyện bình thường, chính tay tôi đã từng mổ thịt những con như thế. Năm nào mà tôi chả bắt được cá chiên; có năm bắt được 2 - 3 con. Tháng 8 - 9 là đúng mùa để đi săn cá chiên đấy. Trước thì có cá to 40 - 50kg, mấy năm nay chỉ còn loại cá 20kg. Bán mỗi con như thế cũng được khoảng 12 triệu”.

Có lẽ cuộc đời “gạo chợ nước sông”, đặc biệt là những hiểm nguy, vất vả khi đêm ngày vật lộn với dòng sông Gâm nước xiết khiến cho ông Nguyên có nhiều trăn trở suy nghĩ: “Hằng ngày tôi đi dọc sông Gâm đánh bắt cá. Nhưng nghĩ mình đi làm mãi thế này thì vất quá, mình phải quay sang nuôi nó thì mới lâu dài được. Thế là tôi bắt đầu nuôi cá chiên. Đầu tiên là lấy giống từ những người đi đánh bắt ở đây, bắt được cá nhỏ thì cũng mang về nuôi. Đến giờ thì Viện thủy sản đã nghiên cứu ấp nở được con giống rồi”.

Ở huyện Bắc Mê - Hà Giang cũng có nhiều người nuôi cá chiên, nhưng những người dám đánh liều bỏ ra cả vài trăm triệu đồng để nuôi “thủy quái” như ông Nguyên thì không nhiều. Chấp nhận nuôi loại cá “đặc sản”, phải bỏ số vốn liếng khổng lồ với những cư dân vùng cao, đó là điều không đơn giản. “Riêng một cái lồng này nuôi cá chiên là mất khoảng 50 triệu tiền giống rồi. Đã thế, mỗi lứa cá chiên phải mất hàng năm mới được thu hoạch” - ông Nguyên giãi bày.

Đã có thâm niên hơn chục năm nuôi cá chiên trên sông Gâm, ông Nguyên đã nếm trải đủ những khó khăn, vất vả, cả những thất bại để đời với những bài học xương máu trong nghề nuôi loài cá hiếm này. Ông Nguyên vẫn còn nhớ như in cái thuở ban đầu liều lĩnh của mình khi ông bỏ số vốn hơn 300 triệu đầu tư vào thuyền bè, lồng, con giống để nuôi cá chiên.

Ông kể giọng quả quyết: “Cá chiên không bao giờ ăn cám. Thức ăn của nó là nguyên các loại cá tép, cá con loại có vảy; cá da trơn, cá ngạnh là nó không ăn. Ngoài môi trường tự nhiên nó ăn thế nào thì mình phải cho nó ăn đúng như thế.

Đến bây giờ, tôi vẫn cứ đi đánh bắt, mỗi ngày ít nhất phải bắt được 5 - 7kg cá con để làm thức ăn cho các lồng cá chiên. Hôm nào không đánh bắt được lại phải đi mua cá con về cho chúng ăn. Cũng hơi vất một chút nhưng mà thu nhập đã ổn định hơn, đời sống đỡ bấp bênh hơn. Cá chiên của tôi nuôi để cung cấp cho thị trường đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn ở mãi tận Hà Nội cơ đấy”.

(Theo Lao Động)