Thay xe Rolls Royce đời mới nhưng vẫn kè kè chiếc điếu cày cũ, ông Lê Thanh Thản thường được giới kinh doanh hay báo chí gọi là ông chủ Mường Thanh hoặc đại gia điếu cày.

Dùng siêu xe nhưng bản thân ông Thản chả bao giờ tiêu xài cho quần áo tư trang hàng hiệu. Ông bảo dùng Rolls Royce vì nội thất của nó rộng rãi, tiện nghi, còn thói quen hút thuốc lào, chắc ông chả bao giờ từ bỏ được.

Cộng sự của ông thuở còn hàn vi, nhiều người về Hà Nội, TP.HCM công tác, thỉnh thoảng có dịp thăm ông tại văn phòng, anh em gặp nhau, lại vớ điếu cày làm một hơi sảng khoái.

Đi nhiều nơi, nắm trong tay khối tài sản ít ai đo đếm được, ông Thản cũng chẳng cầu kỳ trong cách ăn uống. Doanh nhân này vẫn thích những món ăn dân dã như đậu phụ, mắm tôm, uống nước chè và ghét rượu ngoại.

Gặp ông chủ một tập đoàn lớn không phải chuyện dễ, nhưng với ông, khách hàng không quen vẫn có thể gặp thẳng, nói chuyện và đề nghị tại văn phòng. Giải quyết cho họ xin chậm nộp tiền, không tính lãi, hay đổi căn hộ là chuyện như cơm bữa.

{keywords}

Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản

Không thích xuất đầu lộ diện ở khắp chốn khắp nơi, doanh nhân này cũng không muốn nói nhiều về bản thân mình, song nếu gặp người tâm đắc, ông có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về kinh doanh, về bản sắc của doanh nghiệp Việt trên thị trường cạnh tranh đầy quyết liệt.

Chân phải: bất động sản

“Ai có dự án không triển khai được, tôi sẵn sàng mua, miễn sao giá cả và vị trí hợp lý. Cơ hội thì vẫn còn nhiều lắm”, ông Thản chia sẻ về kế hoạch.

Bắt đầu câu chuyện về thị trường năm 2015, ông bảo, với quy định mới của Luật Đất đai 2015, tiền sử dụng đất tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản như Mường Thanh sẽ kém đi vì không thể tăng giá bán nhà. Bán giá cao, để hàng tồn thời điểm này chỉ có nước chết.

{keywords} 

Nói như vậy có nghĩa, dù chính sách thay đổi, Tập đoàn của ông với một loạt dự án trong Nam ngoài Bắc vẫn trung thành với chiến lược: làm nhanh, bán nhanh, giá hợp lý.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Mường Thanh, riêng tại Hà Nội, năm 2014, Tập đoàn của ông bán được 12.000 căn hộ. Vào những ngày cuối năm, 1.300 căn hộ tại Nha Trang ông bán hết trong 1-2 ngày.

Lý do được đưa ra là: Dự án có vị trí đẹp, nằm trên đường Trần Phú, trong khu phức hợp khách sạn 5 sao, được đầu tư với tiêu chuẩn căn hộ trung cao cấp mà ông bán giá 17-18 triệu đồng/m2, chỉ bằng hơn nửa giá bán căn hộ các dự án tương tự tại thành phố biển này.

Không chỉ xây nhà, ông Thản còn chỉ đạo đầu tư cả những tiện ích phục vụ nhu cầu sống thiết yếu của người dân đô thị. Chung cư chưa có siêu thị, nhà trẻ…, Tập đoàn xin bổ sung giấy phép kinh doanh và tự bỏ vốn mở siêu thị, lập nhà trẻ…

“Đầu tư vào giáo dục, thương mại không mất nhiều vốn mà có thể phục vụ dân tại chỗ, tạo thuận tiện cho cuộc sống của họ. Chủ đầu tư không chủ động, cứ trông chờ người khác đến lấp kín diện tích thương mại thì đến bao giờ”, ông nói.

Ông Thản bảo tiến độ sẽ được thực hiện rất nhanh. Tòa nhà 40 tầng, doanh nghiệp của ông chỉ thi công trong vòng 1 năm là hoàn thiện. Kinh doanh ai không phải vay? Ông Thản cũng vay ngân hàng như các doanh nghiệp khác, chỉ có điều đã có chữ tín từ trước, nên ông vay dễ hơn, điều kiện cũng tốt hơn. Quan trọng là không để tiền chết, tiền được quay vòng nhanh, sẽ lại sinh ra tiền.

Từ năm 2013 trở lại đây, mỗi năm, tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn của ông Thản cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ.

Năm 2015, tại Hà Nội, đất sạch từ Khu đô thị Linh Đàm vẫn còn nhiều nên Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư khai thác 6-7 tòa chung cư nữa. Bằng con đường M&A (mua bán và sáp nhập), ông Thản và các cộng sự vẫn miệt mài tìm kiếm thêm các dự án mới để có thể sớm đưa nhà ra thị trường.

Chân trái: khách sạn

Nếu như trước đây, nhiều người biết đến ông Thản và Công ty Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu với các dự án bất động sản giá rẻ, thì nay ông còn được biết đến với vai trò đại gia trong giới kinh doanh khách sạn.

Khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực này với Khách sạn Mường Thanh Điện Biên, đến nay, trong tay Công ty đã có gần 30 khách sạn từ 3 - 5 sao trải dài từ Bắc xuống Nam.

Điểm chung của các khách sạn này là đều mang tên Mường Thanh và gắn với địa danh chúng được đầu tư xây dựng như Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội), Mường Thanh Nghệ An, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Sapa, Mường Thanh Nha Trang…

Ông Thản kể lại cơ duyên khiến ông quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực khách sạn cao cấp.

Năm 1999-2001, doanh nghiệp có cộng tác với một số nhà thiết kế Thụy Sỹ và đặt phòng tại Khách sạn Daewoo Hà Nội cho khách. Giá phòng khi đó tới gần 200 USD/đêm, nhưng phải đặt trước mấy ngày mới có. Có lẽ do đông khách, nên thái độ đón tiếp khách của Khách sạn không mấy nhiệt tình.

Từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn tại Điện Biên, Nghệ An…, ông Thản quyết định sẽ kinh doanh khách sạn cao cấp tại Hà Nội và mở rộng ra các thành phố khác, với mong muốn tạo dựng thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt.

Dù 4 sao hay 5 sao, chiến thuật kinh doanh của hệ thống Mường Thanh rất đơn giản: Giá hợp lý và thái độ phục vụ nhiệt tình. Nếu như các khách sạn 4 sao khác tại Hà Nội có giá phòng trên 100 USD/đêm, thì khách sạn của ông chỉ là 40 USD/đêm. Mức giá trên, với không gian yên tĩnh, không khí sạch sẽ, phòng ốc tốt và đi lại thuận tiện, không cần quảng cáo nhiều, khách sạn vẫn luôn đạt công suất tới 95 - 100%.

Năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh khai trương 6 khách sạn, mở rộng bản đồ kinh doanh tới gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Năm 2015, theo tính toán của ông Thản, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 10 khách sạn nữa, trong đó chiến lược là tại TP. HCM.

Không chỉ đầu tư khách sạn tại Việt Nam, ông Thản và các cộng sự còn mở rộng sang Lào. Tại Viêng Chăn, Khách sạn Mường Thanh quy mô 35 tầng đang được xây dựng.

Nhiều người tò mò, tiền đâu mà Mường Thanh có thể làm nhiều khách sạn đến vậy và làm khách sạn có lãi không? Ông bảo: “Tích tiểu thành đại, còn làm gì mà chẳng phải vay. Làm khách sạn có lãi nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Còn nếu tính lời lãi lớn ngay từ đầu thì sẽ không ai đầu tư làm khách sạn”.

Mong muốn của ông và nhiều cộng sự là tạo ra một thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt, được vận hành và quản lý bởi người Việt, tạo ra cơ hội để người Việt có thể ở và hưởng thụ dịch vụ ở các khách sạn 4-5 sao với giá cả hợp lý nhất có thể.

(Theo Đầu Tư)