- UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉnh sửa một số điều liên quan đến tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP.

Sau cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh Tiền Giang và các DN chế biến, xuất khẩu cá tra, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Nghĩa vừa ký văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ đa số DN trong tỉnh đều đồng thuận với ý nghĩa và yêu cầu như trong nghị định.

Song, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhất là điều kiện kinh doanh con cá tra trong cơ chế thị trường hiện nay, thì nên có lộ trình triển khai phù hợp.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho rằng, nếu thực hiện quy định về tỷ lệ mạ băng không quá 10% đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu và hàm lượng ẩm không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn do hiện chưa có khách hàng và đối tượng tiêu thụ.

{keywords}

Cá tra xuất khẩu

Hơn nữa, yêu cầu sản phẩm cá tra xuất khẩu bắt buộc phải đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam, các lô hàng đều phải đưa vào luồng vàng để hải quan kiểm tra đã làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực để thực hiện,... trong khi việc đăng ký lại tiến hành tại TP. Cần Thơ. Trong tình huống đăng ký trễ hoặc không được chấp thuận, các lô hàng sẽ bị lưu kho tại cảng, phát sinh chi phí. Do vậy, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu vô hình trung lại là một thủ tục hành chính, một giấy phép con đi ngược lại chủ trương cải cách...

Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh sửa đổi quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm tại Nghị định 36. Đồng thời, xem xét huỷ quy định về việc phải đăng ký các lô hàng cá tra xuất khẩu với Hiệp hội cá tra Việt Nam.

Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 13 DN chế biến, xuất khẩu cá tra. 6 tháng đầu năm nay, riêng mặt hàng này đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 130 triệu USD, với gần 56.000 tấn, là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh và các DN đang hết sức lo lắng, nếu các quy định trên tiếp tục được triển khai trong thời gian tới sẽ gây rất nhiều khó khăn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời ý kiến chất vấn của ĐBQH Đinh Xuân Thảo ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc đăng ký xuất khẩu là “cần thiết để giám sát thực hiện các chính sách khách của Nghị định”. Và “theo đề nghị của nhiều DN, Chính phủ đã hoãn thi hành riêng về điều khoản về độ ẩm và mạ băng”.

“Hiện Bộ NN-PTNT đang phối hợp nghiên cứu để xuất sửa đổi các quy định này theo hướng đưa ra các tiêu chí và lộ trình thực hiện phù hợp với yêu cầu thị trường để trình Chính phủ trong năm 2015", Bộ trưởng Phát trả lời.

Ngọc Hà